Trải nghiệm dưới địa ngục của Zahra Khoshnava vì trót xem bóng đá  

KHÔI NGUYÊN
Từ 18:32 ngày 14-11-2022
Zahra Khoshnava, một nữ CĐV người Iran đã có một trải nghiệm kinh hoàng và tiết lộ cái giá phải trả khi một phụ nữ Iran muốn đến SVĐ để tận hưởng bầu không khí bóng đá, đó là bị đánh đập, bỏ tù và sống trong sợ hãi.  

Zahra Khoshnavaz biết mình đã mạo hiểm khi cô cùng với 5 nữ CĐV khác cải trang thành nam giới để đến xem một trận bóng đá đỉnh cao ở Iran - đối thủ của ĐT Anh ở World Cup 2022. Nhà thơ và nhà hoạt động đầy tham vọng cũng hiểu rằng cô đã có hành động chẳng khác nào khiêu khích cảnh sát và các quy định khắt khe của Iran, đó là đăng những tấm ảnh cô đội tóc giả và gắn râu tại sân Persopolis.  

Việc cấm phụ nữ đến xem các trận bóng đá không được ghi trong luật ở Iran và sau khi vẫn bình an vô sự dù trước đó đã công khai các chuyến đi của mình đến các trận đấu ở Persopolis hoặc các nơi khác ở Iran, Khoshnavaz cho rằng mình sẽ an toàn, không gặp nguy hiểm hay bị giam giữ. Cô đã sai. Khoshnavaz đã phải trả giá cho việc ủng hộ ĐTQG của mình.  

Khoshnavaz run rẩy trả lời phỏng vấn qua điện thoại: “Tôi đã chọn một trận đấu lớn vì tôi muốn nó tạo ra ấn tượng. Tôi đăng lên một trong số ít các ứng dụng nhắn tin không bị chặn bởi cơ quan an ninh của nhà nước”. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã triệu tập Khoshnavaz, 31 tuổi, và những phụ nữ khác ngay sau khi bài đăng của cô xuất hiện trên Instagram. “Họ gọi cho tôi và bảo tôi đến gặp họ để thẩm vấn. Chúng tôi không phạm tội, nhưng họ đã cư xử rất tệ, như thể chúng tôi là những kẻ giết người. "  

Cho đến nay, Khoshnavaz vẫn không biết tại sao cô phải nhận án tù và khoản tiền phạt, sau khi cô đã bị giam 3 tháng ở nhà tù Qarchak, phía nam thủ đô Tehran. Số lượng tù nhân ở đây được coi là gấp đôi chỉ định, thiếu hệ thống thoát nước và hoạt động với nguồn cung cấp y tế hạn chế nghiêm trọng.  

Zahra Khoshnavaz cải trang thành nam giới để xem một trận đấu của ĐT Iran

Tại một thời điểm nào đó trong thử thách của mình, Khoshnavaz nói rằng cô ấy đã bị lạm dụng thể chất, mặc dù đó là một trải nghiệm quá đau thương để có thể diễn tả. "Tôi không muốn nói về nó. Tôi vừa ám ảnh khi nghĩ lại, vừa sợ rằng nó có thể xảy ra một lần nữa". Từ những lời kể của Khoshnavaz, có thể nhìn lại trường hợp bi thảm của Mahsa Amini, cô gái 22 tuổi bị bắt vào trước đó vì không đội khăn trùm đầu theo quy định của chính phủ, bị cảnh sát đánh đập và qua đời ở bệnh viên Tehran.  

Các nhà chức trách Iran tuyên bố nguyên nhân cái chết của Amni là do bệnh tật đã có từ trước, nhưng điều đó không thể dập tắt được sự tức giận của công chúng. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc diễn ra sau đó, nhiều vụ đụng độ bạo lực giữa dân chúng với cảnh sát đã nổ ra khắp nơi và là một trong những mối  đe dọa lớn nhất đối với chế độ thần quyền của đất nước kể từ cuộc cách mạng năm 1979.  

Là một nhà hoạt động nổi tiếng, Khoshnavaz đã được triệu tập để thẩm vấn một lần nữa, nhưng cô quyết định mình sẽ không để kí ức kinh hoàng trở lại một lần nữa. “Họ gọi cho tôi và bảo tôi đi thẩm vấn,” cô nói, “Tôi đã không đi. Tôi phải chạy trốn.”  

Khoshnavaz hiện đang ẩn dật, sống trong lo sợ và vẫn phải gánh chịu hậu quả từ vụ bắt giữ sau trận đấu tại Champions League châu Á với Al Saad của Qatar vào tháng 8/2019. Cô thực sự nghi ngờ rằng sự can thiệp từ các cơ quan nhà nước khiến cô mất giấy phép sở hữu thẩm mỹ viện của mình và không thể tìm được công việc khác khi các nhà tuyển dụng liên tục từ chối cô mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.  

Khi chính quyền Iran cho phép một số lượng hạn chế phụ nữ tham dự một trận đấu bóng đá trong nước ở Tehran vào tháng 8, Khoshnavaz đã bị từ chối tiếp cận không lý do. Hai nhà làm phim người Iran đã thực hiện một bộ phim tài liệu đoạt giải thưởng về cô ấy nhưng hoàn cảnh của cô vẫn không thể cải thiện. Cô thừa nhận cuộc sống của mình đã bị đảo lộn.  

Zahra Khoshnavaz chụp ảnh check-in ở SVĐ, điều đã khiến cô phải trả giá nặng nề với án tù và phạt tiền

Khoshnavaz, người đã nuôi dưỡng đam mê bóng đá từ khi còn nhỏ và chơi futsal ở độ tuổi thiếu niên cho biết: “Tôi muốn thay đổi thế giới nhưng giờ thì chỉ có đời tôi là thay đổi. Tôi vẫn còn hy vọng, nhưng thực sự tôi đang kẹt dưới đáy sâu của địa ngục”.  

Sau cuộc cách mạng, ban đầu phụ nữ Iran vẫn bị cấm vào SVĐ. Các nhà cầm quyền đưa ra nhiều lý do dẫn tới quyết định này trong suốt nhiều năm, trong đó nói tới ảnh hưởng xấu đối với NHM nam giới và bản thân những người phụ nữ. Mặc dù việc phụ nữ lén lút hóa trang để vào SVĐ đã trở nên khá phổ biến, lệnh cấm vẫn tồn tại mà không bị thách thức nghiêm trọng cho đến khi xảy ra trường hợp khủng khiếp của Sahar Khodayari, một CĐV 29 tuổi của Esteghlal, một CLB khác ở Tehran.  

Khodayari, người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, đã bị các nhân viên an ninh phát hiện khi cố gắng tham dự một trận đấu ở Champions League châu Á vào tháng 3 năm 2019 và bị buộc tội "thực hiện một hành động tội lỗi khi xuất hiện ở nơi công cộng mà không đội khăn trùm đầu", cũng như “xúc phạm các quan chức”. Khodayari đã tự thiêu bên ngoài tòa án, nơi đang diễn ra phiên tòa xét xử cô ấy.

Cô qua đời bởi những vết thương, và những báo cáo địa phương nói rằng cô bị kết án 6 tháng từ khi đang điều trị tại bệnh viện. Được biết đến với cái tên "Cô gái áo xanh", số phận bi thảm của cô đã thu hút sự chú ý của quốc tế và khiến FIFA gây áp lực lên LĐBĐ Iran để dỡ bỏ lệnh cấm.

Vào tháng 10/2019, họ cuối cùng đã tuân thủ và cho phép 4.000 CĐV nữ đến xem trận đấu vòng loại World Cup với ĐT Campuchia tại SVĐ Azadi. Đội chủ nhà đã giành chiến thắng với tỷ số 14-0. Tuy nhiên, vào tháng 3/2020, các nhân viên an ninh đã sử dụng bình xịt hơi cay để ngăn khoảng 2.000 CĐV nữ không có vé, cố gắng vào một SVĐ ở thành phố Mashhad để xem một trận đấu vòng loại khác với ĐT Lebanon.  

Đoạn phim về vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới và khiến FIFA phải viết thư cho LĐBĐ Iran một lần nữa yêu cầu họ không được ngăn cấm phụ nữ đến xem các trận đấu bóng đá. Với việc FIFA cấm mọi hình thức phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên, tấm vé tham dự World Cup của Iran đã gặp rủi ro.  

Đáp lại yêu cầu của FIFA, khoảng 500 phụ nữ Iran đã được phép đến sân theo dõi Esteghlal đánh bại Mes-e Kerman tại SVĐ Azadi có sức chứa 78.116 người. NHM đã cố gắng hết sức để thể hiện sự hiện diện của họ, với những tấm biểu ngữ "Phụ nữ xứng đáng hơn thế này" và hô vang "Blue Girl, Blue Girl" để vinh danh Khodayari, nhưng hầu hết đều cho rằng sự hiện diện của họ không khác nào một màn kịch để che mắt dư luận. Khoshnavaz nói: “Nếu không, tại sao tôi không thể tham gia?”  

Sepidah, một sinh viên 26 tuổi đã cải trang thành đàn ông để cùng với cha cô đến xem các trận đấu của CLB Persopolis cũng đồng ý rằng những cảnh như vậy chỉ để che giấu sự phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra ở các sân bóng đá.  

“Có cảnh sát đạo đức ở khắp mọi nơi, sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai mặc “trang phục không phù hợp” theo như cách họ vẫn gọi. Chỉ một số ít phụ nữ được phép vào trong khuôn viên và phải đi lối riêng. Tất cả đều bị kiểm soát như kiểu họ sợ các bà, sợ các cô làm điều gì đó hoặc nói điều gì đó không theo ý mình. Họ luôn sợ chúng tôi".  

Các nhóm nhân quyền ước tính rằng hơn 250 người biểu tình đã bị giết bởi lực lượng an ninh bằng cách sử dụng đạn thật và hơi cay để dập tắt các cuộc biểu tình đã lan rộng đến hàng chục thành phố. Hossein Mahini, cầu thủ đã giải nghệ và là cựu đội trưởng của Persepolis, đã bị bắt với tội danh "khuyến khích bạo loạn và thông cảm cho kẻ thù" sau khi anh đăng bài ủng hộ các cuộc biểu tình trên mạng xã hội. Ali Daei, cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá Iran, đã bị tịch thu hộ chiếu vì chỉ trích chính phủ.  

Zahra Khoshnavaz hy vọng rằng đến lúc nào đó số phận phụ nữ Iran sẽ được đánh giá cao hơn

Tình hình leo thang đã khiến Ruiz-Huerta & Crespo - một công ty luật Tây Ban Nha, gửi một lá thư chính thức lên FIFA vào cuối tháng 10/2022 thúc giục họ loại ĐT Iran khỏi World Cup. Các luật sư đã hợp tác với Masih Alinejad, một nhà báo Iran và nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ, và tuyên bố nhận được sự ủng hộ của một số VĐV Iran, bao gồm cả các cầu thủ.  

Vài ngày sau, CLB bóng đá hàng đầu Ukraine Shakhtar Donetsk hối thúc FIFA cấm Iran tham dự giải đấu sắp tới vì chế độ cầm quyền của họ bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga. Sergei Palkin, GĐĐH của Shakhtar, cho biết ĐT Ukraine nên thay thế Iran để nằm chung bảng B ở Qatar với Anh, Hoa Kỳ và Xứ Wales.  

Mustafa Qadri, giám đốc điều hành của Equidem Research and Consulting, đơn vị điều hành các cuộc điều tra về nhân quyền trong khu vực, cho biết: “Mọi người có quyền khi hỏi liệu Iran có nên tham dự World Cup hay không. Những gì chúng ta đang nói đến là sự ngược đãi và phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với phụ nữ ở quốc gia đó. 

Chúng tôi bất lực trong việc giúp đỡ mọi người ở Iran. Nhiều người sẽ bị giết và bị tra tấn. Nhưng chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận loại hành vi này và họ phải bị tẩy chay. Thể thao luôn mang tính chính trị và nó có thể mang tính chính trị theo một cách tốt đẹp”.  

Cho dù các bước ngoại giao có được thực hiện hay không, Khoshnavaz không hy vọng tình hình của mình sẽ được cải thiện trong ngắn hạn. Chỉ khi căng thẳng giảm bớt trên đường phố, cô ấy mới nghĩ đến việc phá vỡ vỏ bọc, dù tội của cô ấy là sử dụng bóng đá để bảo vệ tự do.  

"Tôi lo lắng, nhưng mạng sống của tôi không có giá trị hơn mạng sống của những người đang bị giết trên đường phố. Tôi muốn trải nghiệm niềm vui được ở trong SVĐ trước khi chết. Tôi muốn được hò hét ủng hộ đội của mình mà không bị nghẹn ở cổ họng. Tôi muốn bình đẳng”, Khoshnavaz nói.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: [email protected]
 

x