World Cup 1930: Tàu SS Conte Verde chở cả lịch sử

Kinh Thi
Từ 21:30 ngày 11-11-2022
SS Conte Verde là tên một con tàu mang quốc tịch Italia, được đóng ở Scotland, hạ thủy vào năm 1923. Ca sỹ opera người Nga Fyodor Chaliapin, vũ nữ người Mỹ Josephine Baker và nhà văn Italia, Dacia Maraini là những hành khách nổi tiếng mà SS Conte Verde từng phục vụ. Nhưng trên hết, con tàu này nổi tiếng khi nó chở cả lịch sử World Cup.
TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Uruguay
Thời gian diễn ra giải đấu: 13/7 đến 30/7
Đội tham dự: 13 đội, chia thành 4 bảng
 
CHUNG CUỘC
Vô địch: Uruguay
Á quân: Argentina
Đồng hạng 3: Mỹ và Nam Tư
Vua phá lưới: Guillermo Stabile (Argentina, 8 bàn)
Số trận thi đấu: 18
Bàn thắng: 70
 

ĐT BỈ, PHÁP, BRAZIL, ROMANIA CÙNG ĐI MỘT CHUYẾN TÀU

Ngày 19/6/1930, các tuyển thủ Romania, do Hoàng đế Carol II tuyển chọn, lần lượt bước lên con tàu SS Conte Verde, tại cảng Genoa. Đấy chính là điểm khởi đầu của chuyến hải hành lịch sử, kéo dài đến ngày 5/7/1930, khi tàu cập cảng tại Montevideo. Tại Villefranche-sur-Mer, SS Conte Verde lại đón thêm đội tuyển Pháp cùng chủ tịch FIFA Jules Rimet, 3 trọng tài, và không thể thiếu chiếc cúp vô địch bóng đá thế giới. 
 
Thêm đội tuyển Bỉ lên tàu tại cảng Barcelona trước khi SS Conte Verde vượt 11.000 km, xuyên Đại Tây Dương để đến Nam Mỹ. Tại Rio de Janeiro, nó lại đón thêm các hành khách cuối cùng: các tuyển thủ Brazil. Tất cả cùng hướng đến Montevideo - thủ đô Uruguay, chuẩn bị tham gia vào kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử bóng đá.
 
Hàng ngày, các cầu thủ tập luyện trên bong tàu, rèn thể lực trong phòng tập. Ngoài ra, tất cả cùng vui đùa, ca hát, giao lưu. Tuyển thủ Pháp Lucien Laurent từng kể: tập gì cũng được, nhưng chẳng hề có buổi tập chiến thuật nào. Thuở ấy, thậm chí HLV chẳng nói gì về chiến thuật.
 
Các tuyển thủ tập thể lực trên boong tàu SS Conte Verde khi đi dự World Cúp 1930
 
Thất vọng vì không được chọn làm chủ nhà cho kỳ World Cup đầu tiên, Hà Lan, Italia, TBN và Thụy Điển đồng loạt tẩy chay World Cup 1930. Thời ấy, đương nhiên World Cup không có các đội thuộc Vương quốc Anh. Quê hương bóng đá thậm chí còn cao ngạo không cần đứng trong hàng ngũ FIFA, nói gì đến chuyện “hạ mình” tham dự World Cup. 
 
Đức, Áo, Tiệp Khắc, Hungary, Thụy Sỹ thì ngại đường xa vất vả. Đấy là lý do vì sao World Cup 1930 có đến 9 đội châu Mỹ (gồm 7 đội Nam Mỹ) và chỉ có 4 đội châu Âu.

WORLD CUP 1930 KHÔNG CÓ ĐÁ LOẠI TRỰC TIẾP

Đấy cũng là kỳ World Cup duy nhất không có vòng loại. Mời được các đội tham dự là đã thành công quá rồi! FIFA muốn có 16 đội để chia cặp, vừa đẹp cho thể thức loại trực tiếp. Vì chỉ có 13 đội nên giải chuyển sang “kế hoạch B”, chia thành 4 bảng và thi đấu vòng tròn ở giai đoạn một. Đấy là chút may mắn mang tính lịch sử. May mắn này không được lặp lại ở World Cup 1934, khi số đội muốn dự World Cup bắt đầu tăng lên. 
 
Giả sử có đủ 16 đội cho kỳ World Cup đầu tiên và họ đá loại trực tiếp như dự định ban đầu của FIFA, sẽ có đến phân nửa số đội bị loại chỉ sau 90 phút chơi bóng. Họ phải lênh đênh hàng tuần trên đại dương chỉ để đá một trận (mà không phải cầu thủ nào cũng được ra sân), rồi lại vượt đại dương để về nhà? Đấy chính là “thảm cảnh” của các cầu thủ Nam Mỹ khi họ sang châu Âu dự kỳ World Cup thứ hai!
 
World Cup đầu tiên mà không “hoang sơ” mới là lạ. Thủ quân Manuel Ferreira của ĐT Argentina khi đang dự giải thì phải vội vã vượt sông La Plata, trở về Buenos Aires để kịp... làm bài thi (khi ấy, ông đang học ở một trường luật). Các cầu thủ Bolivia đội mũ beret vào sân. Trên áo mỗi người có một chữ cái to đùng, bí ẩn. Hóa ra, khi 11 cầu thủ xếp hàng ngang thì đấy là dòng chữ VIVA URUGUAY! 

THÀNH CÔNG NGAY TỪ KỲ WORLD CUP ĐẦU TIÊN

ĐT Mỹ là đội hạt giống? FIFA có lý với chọn lựa này, khi Mỹ thắng cả 2 đối thủ trong bảng là Paraguay và Bỉ để giành suất vào bán kết. Các bảng còn lại đều kết thúc với chiến thắng tuyệt đối cho Nam Tư (thắng Brazil, Bolivia), Argentina (Chile, Pháp, Mexico) và Uruguay (Romania, Peru). 
 
4 đội đầu bảng gặp nhau trong 2 cặp bán kết đầy chênh lệch. Argentina thắng Mỹ và Uruguay thắng Nam Tư, đều với tỷ số 6-1. Thế rồi, Uruguay thắng Argentina 4-2 trong cuộc quyết đấu cuối cùng, trở thành nhà vô địch đầu tiên trong lịch sử World Cup.
 
Coi như kỳ World Cup đầu tiên không có chút bất ngờ nào. Ngoài ưu thế sân nhà, Uruguay còn được xem là đội bóng hàng đầu thế giới trong thập niên 1920, vô địch môn bóng đá tại các kỳ Olympic 1924, 1928. Ở trận chung kết Olympic 1928, đối thủ của Uruguay chính là Argentina. Họ hòa nhau 1-1 trong 120 phút, và Uruguay thắng 1-0 trong trận tái đấu. 
 
Thế đâu là đội hạng 3 World Cup 1930? Ngay cả FIFA cũng... mù tịt. Tài liệu của chính FIFA nhầm to khi vừa cho rằng Mỹ hạng 3 (công bố năm 1986), vừa cho rằng Nam Tư thắng Mỹ 3-1 (công bố năm 1984). 
 
Kỳ thực, World Cup 1930 không có trận tranh hạng 3. Ban đầu, người ta tin rằng Nam Tư là đội hạng 3, vì một lý lẽ rất hay: tuy đều thua 1-6 ở vòng bán kết, nhưng Nam Tư thua đội sau đó lên ngôi vô địch nên được công nhận vị trí số 3! Nhưng chẳng ai chứng minh được giả thiết ấy. 
 
Về sau, con cháu của một thành viên trong đội Nam Tư tại World Cup 1930 trưng ra một chiếc HCĐ làm bằng cớ, nhưng phía Mỹ cũng trưng ra một chiếc HCĐ giống hệt. Thôi thì, cứ coi như World Cup 1930 có 2 đội “đồng hạng 3”.
 
Do là kỳ World Cup đầu tiên nên hàng loạt chi tiết mang tính “đầu tiên” nghiễm nhiên xuất hiện. Lucien Laurent (Pháp) ghi bàn đầu tiên, vào lưới Mexico. Manuel Rosas (Mexico) là cầu thủ đầu tiên ghi bàn từ chấm phạt đền, vào lưới Argentina. Nhưng Rosas cũng là cầu thủ “đốt lưới nhà” đầu tiên (ở trận gặp Chile trước đó)…
 
World Cup 1930, kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử đã được tổ chức thành công. Chắc chắn nó sẽ được tổ chức nữa, theo chu kỳ 4 năm/lần, để rồi mãi mãi là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất, hấp dẫn nhất hành tinh.

BÊN LỀ

Được ân xá nhờ World Cup

 
Nhờ World Cup 1930 mà một loạt cầu thủ Romania đang vướng vòng lao lý được ân xá. Sau khi đoạt được ngai vàng, vua Carol II của Romania đã gửi đơn đăng ký tham dự World Cup 1930. Ông cũng tự tay lựa chọn danh sách cầu thủ và ân xá cho những người bị dính líu đến pháp luật. Ngoài ra, vua Carol II còn yêu cầu một hãng xăng dầu phải cho công nhân nghỉ việc để chơi bóng.

Con số

9: Cặp đấu Argentina - Mexico (bảng 1) có nhiều bàn thắng nhất trong số 18 trận tại World Cup 1930 (9 bàn, Argentina thắng 6-3).
 
 
50: Tiền đạo Adalbert Desu (Romania) ghi bàn nhanh nhất tại giải, ở giây thứ 50 trong trận gặp ĐT Peru tại bảng 3.  
70: Đã có 70 bàn thắng được ghi tại World Cup 1930. 

NGÔI SAO: Đại nguyên soái Jose Nasazzi

 
 
Danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 1930” của thủ quân ĐT Uruguay, Jose Nasazzi được coi là sự tưởng thưởng xứng đáng. Đúng với biệt danh “Đại nguyên soái”, Nasazzi đã chỉ huy hàng thủ Uruguay chơi hiệu quả, hợp lý tại World Cup 1930. Cùng với đó, Nasazzi trong vai trò thủ lĩnh tinh thần đã xốc dậy ý chí chiến đấu của các đồng đội khi bị Argentina dẫn 2-1 trước giờ nghỉ giải lao trong trận chung kết. Nỗ lực của Nasazzi đã được đền đáp khi ĐT Uruguay ngược dòng thành công bằng thắng lợi chung cuộc 4-2.

BẠN CÓ BIẾT?

 
“El Divino Manco” (Vị thần một tay), là biệt danh mà tuyển thủ Uruguay, Hector Castro được gán cho tại World Cup 1930. Có lẽ, Castro là cầu thủ khuyết tật duy nhất trong lịch sử World Cup. Nên biết, Castro bị cụt một phần của cánh tay phải trong một vụ tai nạn lao động. Cũng chính Castro đã trở thành người hùng của bóng đá Uruguay khi ghi bàn ấn định chiến thắng 4-2 trong trận chung kết gặp ĐT Argentina tại World Cup 1930.

KỶ LỤC CHỜ PHÁ: Trận đấu của hai HLV trẻ tuổi nhất

 
Trận đấu giữa ĐT Argentina và Chile tại bảng 1 của World Cup 1930 đã ghi một dấu ấn khá thú vị trong lịch sử các kỳ World Cup. Cụ thể hơn, đây là cuộc chạm trán có sự góp mặt của hai HLV trẻ nhất trong một trận đấu ở World Cup từ trước tới nay. Mà theo đó, HLV Juan Jose Tramutola (áo sẫm) của ĐT Argentina khi đó mới 27 tuổi và 267 ngày. Còn HLV của ĐT Chile, Gyorgi Orth lúc đó bước sang tuổi 29. Hẳn là kỷ lục về sự góp mặt của hai HLV trẻ tuổi như Tramutola và Orth sẽ khó bị xô đổ.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: [email protected]
 

x