World Cup 1950: Thảm họa lịch sử của ĐT Brazil

Kinh Thi
Từ 21:45 ngày 11-11-2022
Nelson Rodrigues - nhà văn, nhà báo thuộc hàng vĩ đại nhất Brazil xưa nay, từng viết: “Mỗi quốc gia đều có một thảm họa lịch sử, như vụ Hiroshima của Nhật Bản vậy. Với Brazil, thảm họa ấy chính là World Cup 1950”.
TỔNG QUAN
- Nước chủ nhà: Brazil 
- Thời gian diễn ra giải đấu: 24/6 đến 16/7
- Đội tham dự: 13 đội, chia làm 4 bảng
Các SVĐ: Maracana (Rio de Janeiro), Pacaembu (Sao Paulo), Sete de Setembro (Belo Horizonte), Durival de Britto (Curitiba), Eucaliptos (Porto Alegre), Ilha do Retiro (Recife)

CHUNG CUỘC
Vô địch: Uruguay
Á quân: Brazil
Hạng Ba: Thụy Điển
Hạng Tư: Tây Ban Nha
Số trận thi đấu: 22
Bàn thắng: 88 (4 bàn/trận)
Vua phá lưới: Ademir (Brazil, 8 bàn)
 

NIỀM HY VỌNG QUÁ LỚN VÀO ĐT BRAZIL

Khi mà các quốc gia lớn, từ Đông sang Tây, còn đang “dưỡng thương” sau Đệ nhị Thế chiến, FIFA không thể tìm ra nơi nào thích hợp tổ chức World Cup 1950 hơn Brazil. Dù cũng tuyên chiến, nhưng Brazil hầu như không chịu ảnh hưởng đáng kể từ cuộc đại chiến thế giới.

Ngược lại là đằng khác. Đấy là cơ hội để Brazil phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông ở đất nước quá rộng lớn này. Và dĩ nhiên, đấy là cơ hội để xứ sở “túc cầu giáo” gia nhập hàng ngũ các nước từng vô địch World Cup. Hàng chục ngàn người Brazil cần mẫn xây dựng “thánh đường” Maracana, chẳng khác gì người Ai Cập cổ đại xây kim tự tháp, và họ hoàn thành công việc với một tiến độ đáng kinh ngạc.
 
Brazil đã được biết đến như một cường quốc bóng đá kể từ World Cup 1938, và trên thực tế thì đội Brazil tại World Cup 1950 quả cũng rất mạnh. Chỉ xét yếu tố chuyên môn thuần túy, đội bóng của ngôi sao Zizinho đã đáng được xem là ứng cử viên vô địch số 1. Đã vậy, họ còn có ưu thế sân nhà - hoàn toàn bất lợi đối với các đội tuyển châu Âu, và được FIFA hậu thuẫn bằng một thể thức thi đấu kỳ dị.
 
Mãi đến thế kỷ 21, người hâm mộ và giới bóng đá Brazil mới đành chấp nhận thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt ở giải VĐQG - một thể thức đã phổ biến hàng trăm năm trên khắp thế giới. Vì sao? Vì trong văn hóa bóng đá của mình, dân Brazil không thể chấp nhận một giải đấu mà lại không có trận chung kết. Nhưng khi Brazil đăng cai World Cup 1950 thì đấy lại là kỳ World Cup duy nhất trong lịch sử không có trận chung kết!

Phải nhấn mạnh chi tiết này để thấy rõ, thể thức thi đấu vòng tròn ở giai đoạn hai càng giúp Brazil hạn chế rủi ro và nâng cao xác suất vô địch. Trước ngày diễn ra trận đấu cuối cùng, báo chí Brazil viết bài như thể thông báo chứ không phải dự đoán về một kết quả.

Tờ Gazeta Esportiva viết: “Ngày mai, chúng ta sẽ vô địch World Cup”. Cũng vậy, thị trưởng Rio “chúc mừng” các cầu thủ Brazil ngay trước trận đấu: “Chỉ trong vài giờ nữa thôi, các bạn sẽ là những nhà vô địch, sẽ được hàng triệu người tôn vinh”.

THẢM HỌA MARACANA 1950

Tràn ngập hy vọng như thế, làm sao các tín đồ bóng đá Brazil có thể nuốt trôi nỗi thất vọng khi Brazil thua Uruguay 1-2 trong cuộc quyết đấu cuối cùng? Chính Brazil dẫn bàn, dù họ chỉ cần hòa là quá đủ. Họ đã là nhà vô địch World Cup 1950, cho tới khi trận đấu cuối cùng chỉ còn 10 phút. Để rồi, tất cả đột nhiên sụp đổ!
 
Thủ thành Barbosa luôn bị người dân Brazil khinh miệt vì để thua… 2 bàn trước Uruguay
         
Ngày 16/7/2000, tờ Jornal do Brasil dùng hẳn một loạt trang đôi để tưởng niệm 50 năm cho cái mà nhà văn Nelson Rodrigues gọi là “thảm họa lịch sử của Brazil”. Ít nhất, đã có 3 cuốn sách viết về “thảm họa World Cup 1950” lọt vào hàng best-seller.

Năm 2000 cũng là cột mốc tròn trịa đối với một sự kiện quan trọng khác: đúng 30 năm kể từ khi Brazil vô địch World Cup 1970, đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet. Nhưng ở Brazil, chẳng ai quan tâm đến sự kiện ấy. Cuốn sách duy nhất viết về Pele và đồng đội ở World Cup 1970 bằng tiếng Anh, xuất bản bên Anh!
 
Tóm lại, người dân Brazil chỉ nhớ đến thảm bại tại World Cup 1950, như một cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt, như một vết thương chẳng bao giờ lành. Cho đến cuối đời, thủ môn Barbosa vẫn bị người dân Brazil khinh miệt, bị giới bóng đá xua đuổi, vì “tội” thủng lưới 2 bàn trong trận thua Uruguay. Ông từng than thở: “Kẻ giết người dã man nhất ở Brazil cũng chỉ phải chịu mức án tối đa 30 năm tù. Riêng tôi chịu án chung thân, dù chẳng có tội gì”.
 
Bây giờ, Brazil đã là cường quốc bóng đá có thành tích “penta” - 5 lần vô địch World Cup. Nhưng Brazil không thể thay đổi một thực tế quá cay nghiệt: họ không bao giờ... vô địch World Cup 1950!

NGÔI SAO CỦA GIẢI: GHIGGIA

Ghiggia là người hùng đã giúp ĐT Uruguay vô địch World Cup 1950

Vua phá lưới World Cup 1950 là tiền đạo của chủ nhà Brazil: Ademir (8 bàn). Nhưng cầu thủ để lại dấu ấn lớn nhất lại là tiền vệ chỉ cao 1m69 - Alcides Ghiggia. Cầu thủ người Uruguay gốc Italia này đã ấn định tỷ số 2-1 vào lưới Brazil khi trận “chung kết” chỉ còn 10 phút, cướp Cúp vàng trước sự chứng kiến của gần 200.000 CĐV.

BÊN LỀ WORLD CUP 1950

VCK WORL CUP DUY NHẤT KHÔNG CÓ TRẬN CHUNG KẾT

4 đội Brazil, TBN, Uruguay và Thụy Điển lọt vào vòng 2 và đá vòng tròn để xác định thứ hạng chung cuộc. Đây là kỳ World Cup duy nhất trong lịch sử không có trận chung kết. Trận cuối giữa Uruguay và Brazil được coi là trận “chung kết” vì nó quyết định ngôi vô địch. Brazil chỉ cần hòa là đủ điểm nâng cúp trên sân nhà nhưng rút cuộc, họ thua ngược 1-2 sau khi dẫn điểm và giúp làng giềng Uruguay bước lên đỉnh cao.

KỶ LỤC CHỜ PHÁ

Kỷ lục khán giả đến sân đông nhất trong một trận đấu vẫn thuộc về VCK World Cup 1950

 
199.854. Số lượng khán giả đến sân Maracana ở trận cuối giữa chủ nhà Brazil và Uruguay tại VCK World Cup 1950 lên đến 199.854 người. Đây hiện là kỷ lục của World Cup và cũng là kỷ lục của bóng đá thế giới.

Suốt 70 năm qua, cũng có một số sự kiện có người xem đông nghẹt như trận Brazil - Italy (chung kết World Cup 1970: 107.412 người) hay Argentina - Tây Đức (chung kết World Cup 1986: 114.600 người) nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với kỷ lục của năm 1950. Có lẽ kỷ lục của sân Maracana vào năm 1950 sẽ không bao giờ bị phá! 

Nghỉ chơi World Cup vì đi chân đất

ĐT Ấn Độ đi chân đất tới World Cup 1950
 
World Cup 1950 là kỳ World Cup duy nhất mà ĐT Ấn Độ có vé dự VCK. Nhưng rút cuộc họ đành bỏ cuộc vì ngay trước giải mới biết FIFA bắt buộc các cầu thủ phải mang giày ra sân. ĐT Ấn Độ thời ấy chỉ quen đá bóng bằng chân trần. Họ đâu có mang giày khi dự Olympic London 1948! Đây cũng là kỳ World Cup có nhiều đội bỏ cuộc nhất: ngoài Ấn Độ còn có Thổ Nhĩ Kỳ và Scotland.
 
- Nhà vô địch World Cup với số trận thắng ít nhất: ĐT Uruguay (thắng 3 trận).
 
- Khi ĐT Mỹ (ảnh) gây bất ngờ bằng chiến thắng 1-0 trước ĐT Anh tại bảng 2, các tờ báo tại Anh, nhận tin qua điện tín, cho rằng đó là lỗi in nhầm và sửa lại thành Anh thắng 10-1.
 
- Chức vô địch đầy bất ngờ của Uruguay đã tạo ra một từ mới trong tiếng TBN, Maracanazo, ngày nay vẫn được dùng để chỉ thất bại của ĐT Brazil trong trận đấu cuối.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: [email protected]
 

x