Bóng Đá Plus trên MXH

Big story

Marcus Rashford: Từ 'Cậu bé vàng' ở Old Trafford tới kẻ lang bạt tại Camp Nou

Nhắc tới Marcus Rashford, sâu thẳm trong tâm trí người hâm mộ MU chắc hẳn vẫn ẩn chứa nỗi buồn xen lẫn sự tiếc nuối. Cảm giác ấy thực tế cũng là điều dễ hiểu, bởi từ một niềm hi vọng lớn nhất của học viện MU ở kỷ nguyên hiện đại, tiền đạo người Anh đã không thể tỏa sáng như kỳ vọng, để rồi giờ đây phải lang bạt sang Tây Ban Nha cứu vãn sự nghiệp.

 

Tuổi thơ cơ cực

Marcus Rashford sinh ngày 31/10/1997 tại Manchester (Anh), mang dòng máu Jamaica từ cha và Saint Kitts từ mẹ. Anh xuất thân trong một gia đình lao động nghèo và đã phải trải qua tuổi thơ đầy khốn khó. Mỗi sáng, Rashford đều chứng kiến mẹ mình, bà Melanie Maynard, rời nhà đi làm từ 8 giờ. Tất cả gánh nặng kinh tế đều được đổ dồn lên vai Melanie khi cuộc hôn nhân với ông Robert Rashford tan vỡ.

Khi mẹ đi làm, Rashford thường đến trường muộn một chút để tham gia "câu lạc bộ bữa sáng", nơi cung cấp bữa ăn sáng miễn phí cho những đứa trẻ nghèo gồm sữa, cháo yến mạch, trứng, bánh mì cùng nước cam. Rashford cũng là một trong những học sinh được nhà nước trợ cấp bữa trưa, và từ đó, anh bắt đầu nếm trải sự kỳ thị khi bị gắn mác "đứa trẻ ăn cơm miễn phí ở trường".

Rashford có 4 anh chị em ruột: hai anh trai là Dwaine Maynard và Dane Rashford - những người sau này trở thành đại diện của anh, cùng hai chị gái là Chantelle và Claire. Ngay từ khi còn nhỏ, Rashford đã là một fan cứng của Man United, đội bóng địa phương nơi anh sinh sống.

Rashford theo học tại trường Ashton-on-Mersey, nơi MU thường gửi các cầu thủ trẻ đến học kể từ năm 1998 vì trường nằm gần trung tâm huấn luyện Carrington. Tại đây, tiền đạo này theo học chương trình BTEC Quốc gia chuyên ngành Thể thao.

Rashford bén duyên với bóng đá từ lúc mới 5 tuổi, khi thi đấu cho đội trẻ của Fletcher Moss Rangers, ban đầu ở vị trí thủ môn. Dave Horrocks, một người phụ trách phát triển cầu thủ tại học viện Fletcher Moss, nhớ lại Rashford lúc ấy đã vượt trội so với các bạn đồng trang lứa và đóng vai trò then chốt trong chức vô địch của đội tại một giải đấu có tới 15 tuyển trạch viên từ các CLB lớn đến theo dõi.

Trước khi gia nhập học viện MU ở tuổi lên 7, Rashford từng có một tuần tập luyện với Man City và cũng nhận được sự quan tâm từ Everton và Liverpool. Tuy nhiên, nhờ sự định hướng và ủng hộ của các anh trai, Rashford đã quyết định chọn Man United. Cuộc hành trình của "Cậu bé vàng" Rashford tại một trong những CLB vĩ đại nhất hành tinh bắt đầu từ đây.

 

Lựa chọn của định mệnh

Ngay từ sớm, tài năng của Rashford đã khiến những HLV tại MU choáng ngợp. "Tài năng của Marcus rất rõ ràng. Có những cầu thủ phát triển muộn, nhưng thường thì nếu ai giỏi nhất, họ đã giỏi từ năm 8 tuổi. Marcus có lối di chuyển rất mượt mà, thanh thoát. Cậu ấy có sự tự thúc đẩy bản thân và luôn tò mò học hỏi", Paul McGuinness - cựu HLV đội trẻ của MU - tâm sự.

Dù vậy, trong những năm đầu tại học viện, Rashford thường xuyên phải nghỉ tập vì gia đình không thể đưa đón anh do mẹ và các anh đều bận làm việc. Sau này, các HLV đội trẻ của MU như Dave Bushell, Eamon Mulvey hay Tony Whelan đã giúp đỡ tìm người đưa đón Rashford đến sân tập - một sự chăm chút đủ để thấy chân sút sinh năm 1997 triển vọng đến mức nào.

"Ngay cả khi các HLV đến đón đi tập, cậu ấy cũng có thể đang tâng bóng lên mái nhà hay tìm cách khống chế bóng rơi xuống, hoặc đá bóng vào thùng rác", McGuinness nói thêm. Năm 11 tuổi, Rashford trở thành cầu thủ trẻ nhất từng được chọn vào chương trình học bổng bóng đá Manchester United Schoolboy Scholars - vốn thường chỉ dành cho các cầu thủ từ 12 tuổi trở lên.

Rashford được đẩy nhanh quá trình phát triển và bắt đầu chơi bóng kiểu "cage football" (bóng đá trong lồng) cùng các đàn anh như Paul Pogba, Jesse Lingard hay Ravel Morrison. Điều này đã giúp Rashford nâng cao kỹ thuật và khả năng xử lý trong không gian hẹp khi đối đầu với những người hơn mình đến 4 tuổi.

Năm 2012, Rashford góp mặt trong đội U15 của MU giành ngôi á quân tại giải Marveld lần thứ 23. Đến năm 2014, tờ The Guardian gọi anh là tài năng sáng giá nhất của Manchester United trong loạt bài "Next Generation 2014", ca ngợi phong cách "bóng đá toàn diện" của Rashford.

Ở tuổi 16, Rashford lần đầu được tập cùng đội một MU dưới thời HLV David Moyes trong mùa 2013/14. Anh mô tả buổi tập đó là "vô giá" đối với bản thân và các cầu thủ học viện khác. Từ đó, Rashford bắt đầu thường xuyên được gọi lên tập luyện với đội một và được các HLV đánh giá là "người có tiềm năng bay cao".

Dù vậy, con đường trở thành cầu thủ Premier League không hề đơn giản.

"Marcus đã trải qua một chặng đường dài", McGuinness nói. "Khi 14-15 tuổi, cậu ấy phát triển thể chất quá nhanh, chân dài ra khiến mất đi sự phối hợp. Điều đó khiến Marcus bực bội, tâm trạng thất thường vì không làm được như trước. Về thể lực, cường độ ở mỗi cấp độ cao hơn đều tăng. Một trong những trận đầu tiên ở đội U18, Marcus đã kiệt sức ngay trong hiệp một. Nhưng chúng tôi vẫn giữ cậu ấy trên sân".

Dưới thời McGuinness ở đội U18, MU bắt đầu phát triển toàn diện Rashford, từ thể hình, cách di chuyển, nhận bóng, cho tới khả năng dứt điểm. "Cậu ấy không bị ám ảnh bởi việc ghi bàn", McGuinness nói. "Marcus muốn làm số 10 thông minh, thay vì trở thành sát thủ vòng cấm - điều lãng phí với tốc độ và khả năng của cậu ấy".

Giống như Cristiano Ronaldo trước đây, Rashford bắt đầu hiểu rằng ghi bàn mới là thứ mang lại sự chú ý. Và anh bắt đầu thay đổi. Cựu tiền đạo Colin Little được giao nhiệm vụ rèn kỹ năng trung phong cho Rashford: cách tiếp nhận bóng, chọn vị trí, thoát khỏi sự kèm cặp - hàng loạt chi tiết nhỏ song quan trọng.

"Chúng tôi dành rất nhiều thời gian cho cậu ấy", McGuinness nói. "Cậu ấy xứng đáng. Chúng tôi tin Rashford có thể lên đội một". Và Rashford đã không phụ niềm tin đó.

Nếu phải tìm ra cột mốc định mệnh của Rashford, ta phải bắt đầu từ trận đấu gặp Shrewsbury trong khuôn khổ vòng 5 FA Cup vào ngày 22/2/2016. Rashford khi đó 18 tuổi và không góp mặt trong chiến thắng 3-0 của MU. Anh vừa có một trận đá chính hiếm hoi cùng đội U21 đối đầu Man City hai ngày trước đó. Song những gì xảy ra tại sân Greenhous Meadow hôm ấy giống như "thiên mệnh" vậy.

Will Keane là người không may dính chấn thương háng, buộc phải rời sân chỉ sau 11 phút vào thay người. Nếu không có chấn thương ấy, Rashford có lẽ đã không có tên trên băng ghế dự bị trong trận lượt về Europa League gặp Midtjylland vài ngày sau. Cũng sẽ không có "cuộc gọi khẩn cấp" khi Anthony Martial dính chấn thương lúc khởi động, ngay trước giờ bóng lăn khiến HLV Louis van Gaal thiếu một phương án thay người. Và dĩ nhiên, cũng sẽ không có cú đúp bàn thắng ngay trận ra mắt đội một MU - khởi đầu cho hành trình phi thường đưa Rashford bước ra ánh sáng.

Ý trời, đó chỉ có thể là ý trời…

 
 

VÌ TINH TÚ TẠI OLD TRAFFORD VÀ NHỮNG NĂM THÁNG ĐỈNH CAO

Ngôi sao bừng sáng

Chỉ vài ngày sau khi tỏa sáng rực rỡ trong trận ra mắt đội một MU trước Midtjylland tại Europa League, Rashford tiếp tục khiến truyền thông sục sôi với màn trình diễn đỉnh cao trước Arsenal. Ngày lịch sử ấy diễn ra hôm 28/2/2016, khi Rashford ghi 2 bàn cùng 1 đường kiến tạo mang về chiến thắng 3-2 cho MU tại Premier League. Bản thân tiền đạo sinh năm 1997 cũng trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ thứ 3 cho Quỷ đỏ ở Ngoại hạng Anh, sau Federico Macheda và Danny Welbeck.

Cũng trong tháng 2 ấy, Rashford được vinh danh là "Cầu thủ xuất sắc nhất tháng" - một kỳ tích hiếm thấy với một cầu thủ vừa ra mắt đội một. Vào ngày 20/3/2016, Rashford đã đi vào lịch sử khi ghi bàn thắng duy nhất trong trận derby Manchester, mang về chiến thắng trên sân khách đầu tiên ở Ngoại hạng Anh cho MU trước Man City kể từ năm 2012.

Lúc đó, Rashford mới 18 tuổi 141 ngày và trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong lịch sử derby Manchester ở kỷ nguyên Premier League, phá vỡ kỷ lục trước đó của Wayne Rooney gần một năm. Ngày 13/4, trong trận đá lại vòng tứ kết FA Cup gặp West Ham, Rashford tiếp tục gây ấn tượng với một siêu phẩm cứa lòng đưa MU giành chiến thắng 2-1 và lọt vào bán kết. Ba ngày sau đó, anh ghi bàn thắng duy nhất trong trận gặp Aston Villa - đội bóng sau đó đã xuống hạng lần đầu tiên kể từ năm 1987.

Kết thúc mùa giải đầu tiên, Rashford đá chính trong trận chung kết FA Cup gặp Crystal Palace, góp phần quan trọng giúp MU lên ngôi vô địch lần thứ 12 trong lịch sử. Dù chỉ ra mắt đội một từ tháng 2, Rashford đã ghi được 8 bàn sau 18 trận ở mùa giải đó, và được trao giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của Man United (Jimmy Murphy Award).

Ngày 30/5, Rashford ký hợp đồng mới với MU trị giá 20.000 bảng/tuần, có thời hạn đến năm 2020 kèm tùy chọn gia hạn thêm một năm. Từ chàng trai vô danh, Rashford đã nhanh chóng chiếm lấy một vị trí ở đội hình của HLV Louis van Gaal và chính thức bước vào bản đồ bóng đá đỉnh cao. Một vì tinh tú dần lộ diện tại Old Trafford.

Sang mùa giải 2016/17, Rashford chính thức được đôn lên đội một và được tân HLV Jose Mourinho trao số áo 19. Bàn thắng đầu tiên của Rashford ở mùa giải ấy đến vào cuối tháng 8 trước Hull City, khi anh vào sân thay Juan Mata và lập công ở phút bù giờ thứ hai, giúp MU giành chiến thắng nghẹt thở.

Trong tháng 9, Rashford tiếp tục ghi thêm 3 bàn - một trong trận thua 1-3 của MU trước Watford (18/9), một ở Cúp Liên đoàn gặp Northampton Town (21/9), và một trong chiến thắng 4-1 trước Leicester (24/9). Tháng 10, Rashford về nhì trong cuộc bầu chọn Cậu bé vàng 2016, thua Renato Sanches của Bồ Đào Nha ở danh hiệu dành cho cầu thủ U21 xuất sắc nhất châu Âu. Ngày 26/2/2017, Rashford giành danh hiệu thứ ba trong sự nghiệp khi cùng MU đăng quang Cúp Liên đoàn - một cột mốc đáng nhớ.

Những ngày tháng mộng mơ

Đó là hành trình thăng tiến thần tốc đến mức khó tin của Rashford, song bước ngoặt lịch sử với tiền đạo người Anh thực sự đến vào mùa giải 2018/19. Rashford được trao chiếc áo số 10 biểu tượng sau sự ra đi của Ibrahimovic. Đây là số áo từng thuộc về những huyền thoại lừng danh như Teddy Sheringham, Ruud van Nistelrooy hay Wayne Rooney. Rashford cũng trở thành cầu thủ thứ 3 trưởng thành từ học viện trong lịch sử MU mặc số áo này, sau Mark Hughes và David Beckham.

Rashford ghi bàn đầu tiên ở mùa giải ấy vào ngày 29/9 trong trận thua 1-3 trước West Ham. Ngày 3/11, anh ghi bàn ở phút bù giờ thứ hai giúp MU đánh bại Bournemouth 2-1. Đến tháng 12, phong độ của Rashford tiếp tục khởi sắc: anh có 2 kiến tạo trong trận hòa Southampton 2-2 và ghi 1 bàn cùng 2 kiến tạo trong chiến thắng 4-1 trước Fulham. Ở trận đấu đầu tiên dưới thời HLV tạm quyền Ole Gunnar Solskjaer vào ngày 22/12, Rashford ghi bàn chỉ sau 3 phút, góp phần vào chiến thắng 5-1 của MU trước Cardiff City. Anh tiếp tục ghi bàn và kiến tạo trong chiến thắng 4-1 trước Bournemouth vào ngày 30/12. HLV Solskjaer mô tả Rashford là "đẳng cấp khác biệt" và tin rằng cậu học trò có thể trở thành một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới.

Ngày 13/1/2019, Rashford ghi bàn duy nhất giúp MU đánh bại Tottenham 1-0 tại Wembley, đánh dấu lần đầu tiên trong sự nghiệp ghi bàn trong 3 trận liên tiếp tại Premier League. Chỉ 6 ngày sau, Rashford cán mốc 150 trận cho MU với một bàn solo đẹp mắt trước Brighton, trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn 4 trận liên tiếp tại Premier League trong lịch sử MU, và là người trẻ thứ 4 đạt cột mốc 150 trận, sau Norman Whiteside, George Best và Ryan Giggs.

Đầu tháng 2, Rashford được trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất tháng của MU, cũng như giải Bàn thắng đẹp nhất tháng với pha lập công vào lưới Tottenham. Ngày hôm sau, anh chơi trận Premier League thứ 100 và ghi bàn giúp MU thắng Leicester 1-0, trở thành người trẻ thứ hai sau Giggs đạt 100 trận tại Premier League cho Quỷ đỏ.

Rashford cũng giành luôn giải Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League tháng 1/2019, là cầu thủ MU đầu tiên đoạt giải này kể từ Ibrahimovic năm 2016.

Ngày 6/3, Rashford trở thành người hùng khi sút phạt đền thành công ở phút cuối, giúp MU thắng PSG 3-1 tại lượt về vòng 1/8 Champions League, qua đó lội ngược dòng để lọt vào tứ kết nhờ luật bàn thắng sân khách. Anh cũng chính là người góp công trong bàn gỡ của Romelu Lukaku. Với bàn thắng ghi được trước PSG, Rashford trở thành cầu thủ thứ 2 sau Rooney bỏ túi 9 pha lập công ở cúp châu Âu cho MU khi dưới 22 tuổi. HLV Solskjaer gọi Rashford là "không biết sợ hãi" khi dám nhận trách nhiệm sút quả penalty quyết định đó - một khoảnh khắc mà cho đến nay vẫn khiến nhiều cổ động viên MU phải nổi da gà.

 
 

Chững lại đôi chút rồi bứt phá

Sau khi ghi 21 bàn trên mọi đấu trường ở mùa 2020/21, Rashford sa sút ở mùa 2021/22, một phần do chấn thương tàn phá. Ngày 22/1/2022, Rashford sắm vai gười hùng với bàn thắng quyết định ở phút 90+3 trong chiến thắng 1-0 của MU trước West Ham. Với pha lập công này, Rashford trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng ấn định chiến thắng ở phút cuối nhất lịch sử Premier League (4 lần). Dù Rashford đang trong giai đoạn sa sút phong độ, HLV tạm quyền Ralf Rangnick vẫn ca ngợi anh là "một trong những tiền đạo hàng đầu nước Anh".

Sang mùa giải 2022/23, Rashford cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ dưới thời tân HLV Erik ten Hag, người luân phiên sử dụng anh ở vị trí trung phong và tiền đạo cánh trái. Sau giai đoạn tiền mùa giải ấn tượng, Rashford ghi bàn trong chiến thắng 2-1 trước Liverpool và cú đúp trong chiến thắng 3-1 trước Arsenal, nhanh chóng cân bằng thành tích ghi bàn và kiến tạo của cả mùa trước chỉ sau vài vòng đấu.

Ngày 30/10/2022, Rashford đạt cột mốc 100 bàn thắng cho Man United trong trận thắng West Ham 1-0, trở thành cầu thủ thứ 22 trong lịch sử CLB đạt thành tích này, và là người đầu tiên sau Wayne Rooney (năm 2009). Ngày 14/1/2023, Rashford chơi nổi bật trong trận derby Manchester. Dù đứng ở vị trí việt vị trong bàn gỡ hòa gây tranh cãi của Bruno Fernandes, anh tiếp tục ghi bàn quyết định chỉ 4 phút sau đó, giúp MU ngược dòng thắng 2-1. Mùa giải ấy đánh dấu phong độ đỉnh cao nhất sự nghiệp Rashford tính đến thời điểm đó.

Ngày 16/2, Rashford tiếp tục tỏa sáng ở đấu trường châu Âu với bàn thắng vào lưới Barca tại Camp Nou (hòa 2-2), trở thành cầu thủ MU thứ 3 trong lịch sử sau Andy Cole và Dwight Yorke ghi bàn trên sân của gã khổng lồ xứ Catalunya. Ngày 26/2, Rashford ghi bàn trong chiến thắng 2-0 của MU trước Newcastle ở chung kết Cúp Liên đoàn, mang về danh hiệu đầu tiên dưới thời Ten Hag.

Vào tháng 5, Rashford ghi bàn thắng thứ 30 trong mùa giải trong trận thắng 4-1 trước Chelsea. HLV Ten Hag khẳng định Rashford hoàn toàn có thể đạt mốc 40 bàn/mùa. Anh là cầu thủ đầu tiên của MU đạt mốc 30 bàn trong một mùa kể từ Robin van Persie mùa 2012/13. Cuối mùa, Rashford được vinh danh với hai giải thưởng cá nhân lớn gồm Cầu thủ xuất sắc nhất mùa do người hâm mộ bầu chọn (Sir Matt Busby Player of the Year) và Cầu thủ xuất sắc nhất mùa do chính các đồng đội bình chọn (Players’ Player of the Year).

Đó chính là đỉnh cao của Rashford tại Old Trafford, biến anh trở thành ngôi sao số 1 của CLB. Chẳng thế mà vào ngày 18/7/2023, MU thông báo đã ký hợp đồng mới với Rashford đến năm 2028, kèm mức lương 325.000 bảng/tuần. Mục tiêu của MU rất rõ ràng: họ muốn Rashford trở thành huyền thoại mới, cùng CLB chinh phục mọi danh hiệu.

Dù vậy, người tính không bằng trời tính…

CÚ TRƯỢT DÀI THẢM HỌA VÀ ĐOẠN KẾT BUỒN Ở OLD TRAFFORD

Sau phần thưởng là mức đãi ngộ khổng lồ từ MU, sự kỳ vọng đặt lên vai Rashford càng trở nên khủng khiếp hơn. Ai cũng tự tin cho rằng sự bùng nổ của tiền đạo sinh năm 1997 với 30 bàn trên mọi đấu trường ở mùa 2022/23 chỉ là sự khởi đầu, bởi với những gì đã trình diễn, anh hoàn toàn đủ khả năng bước lên tầm cao mới, vươn tới hàng ngũ của những cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh.

Thế nhưng, hóa ra đó lại là đỉnh cao của Rashford. Theo thời gian, chân sút 27 tuổi đánh mất hoàn toàn sự tự tin lẫn bản năng săn bàn, để rồi khép lại mùa giải 2023/24 với vỏn vẹn 8 pha lập công sau 43 lần ra sân trên mọi đấu trường - một con số mà chắc chắn chẳng ai dám tin nếu dự đoán được ra trước thềm mùa giải ấy.

Vậy phải chăng MU đã bị Rashford "đưa vào tròng" khi trao cho anh một bản hợp đồng mới với mức đãi ngộ đáng mơ ước? Rất khó để nói như vậy, bởi thực tế những con số không hề biết nói dối. Bên cạnh mùa 2022/23 bùng nổ, Rashford vốn đã tỏa sáng ở mùa 2020/21 với 21 lần làm rung mành lưới đối phương trên mọi đấu trường, trong đó 11 đến ở Ngoại hạng Anh, góp sức không nhỏ giúp MU giành vị trí á quân chỉ sau nhà vô địch Man City.

Trước đó, Rashford cũng từng ghi 17 bàn tại Premier League 2019/20, cho thấy phong độ cao không phải chỉ là hiện tượng nhất thời. Trên sân là vậy còn ngoài sân cỏ, Rashford được yêu mến khi phát động chiến dịch gây áp lực lên chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, buộc họ đảo ngược quyết định về chương trình bữa ăn miễn phí cho học sinh nghèo. Nhờ chiến dịch này, 1,3 triệu trẻ em được hỗ trợ bữa ăn trong mùa hè 2020. Nỗ lực vì cộng đồng đã giúp Rashford được trao huân chương Đề quốc Anh (MBE) vào năm 2021.

Mọi thứ đơn giản là hội tụ một cách tuyệt vời. Phong độ cao cùng hình ảnh đẹp của Rashford khiến MU chấp nhận "phá két" vào hè 2023, và xét cho cùng, khi mây mù chưa kéo đến, nó hoàn toàn xứng đáng. Vậy điều gì khiến Rashford, từ một ngôi sao bùng nổ, lại trượt dốc theo cách khó tin đến thế? Câu trả lời nằm ở sự thiếu quyết tâm, ảo tưởng và quan trọng nhất, là thái độ của Rashford.

 
 

Đánh mất bản thân

Kể từ sau bản gia hạn định mệnh ấy, Rashford bắt đầu buông lỏng và yếu tố chuyên môn hoàn toàn bị che mờ bởi hàng loạt rắc rối ở cuộc sống bên ngoài. Tiền đạo người Anh từng bị HLV Ten Hag loại khỏi đội hình trận gặp Wolves vì "vi phạm kỷ luật nội bộ" - sau này được tiết lộ là do... ngủ quên và đến họp trễ.

Đầu năm 2024, Rashford tiếp tục làm MU thất vọng khi bị phát hiện tiệc tùng 12 tiếng ở thủ đô Belfast của Bắc Ireland, sau đó vắng mặt tại buổi tập vì lý do được CLB thông báo là "cáo ốm". Cựu danh thủ Roy Keane đã chỉ trích nặng nề hành vi này, cho rằng Rashford đang tự hủy hoại sự nghiệp bằng những lựa chọn thiếu chuyên nghiệp.

Cũng trong mùa giải này, Rashford còn gây tranh cãi khi sang Mỹ xem giải bóng rổ (NBA) sau khi bị loại khỏi tuyển Anh, thay vì ở lại tập trung chuẩn bị cho giai đoạn mới cùng tân HLV trưởng Ruben Amorim. Rất nhanh chóng, cựu danh thủ Gary Neville cũng công kích Rashford mạnh mẽ: "Sự chuyên nghiệp, cách chăm sóc cơ thể, chuẩn bị tốt cho mỗi buổi tập - mọi quyết định trong mùa giải đều phải xoay quanh điều đó".

Chưa hết, truyền thông còn rầm rộ chuyện Rashford bị người đẹp Grace Jackson "đá" vì "không nghiêm túc". Tuy nhiên, phía Rashford phủ nhận cả hai từng hẹn hò. Trước đó, anh đã chia tay mối tình thời thơ ấu Lucia Loi vào hè 2023. Những bão tố ngoài sân cỏ đến dồn dập khiến Rashford cứ thế chìm nghỉm. Mỗi lần cầu thủ 27 tuổi xuất hiện là một lần người hâm mộ thấy bộ dạng mệt mỏi và "xuống sắc" rõ rệt. Nhưng ai khiến Rashford ra nông nỗi ấy? Chẳng ai cả. Chính Rashford tự mình hại mình.

Không có lửa thì sao có khói

Và nếu đi sâu vào câu chuyện Rashford, người hâm mộ chắc chắn sẽ có một cái nhìn cảm thông với HLV Amorim - người thực sự đã "nhịn Rashford như nhịn cơm sống". Hãy bắt đầu từ ngày 1/12/2024, thời điểm Rashford lập cú đúp trong chiến thắng 4-0 của MU trước Everton.

Ngay sau đó, Amorim được báo lại rằng Rashford đã ra ngoài chơi ở Manchester vào tối ngày 29/11, chỉ chưa đầy 48 giờ trước trận đấu. Amorim vốn không muốn các cầu thủ tiệc tùng sát ngày thi đấu, nên đã hỏi trực tiếp Rashford. Cầu thủ 27 tuổi khẳng định thông tin đó không đúng. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, anh bị loại khỏi đội hình xuất phát trận gặp Arsenal - một phần vì xoay tua, song phần lớn vì lối sống ngoài sân cỏ khiến ông thầy người Bồ Đào Nha không hài lòng.

Sau lần đá chính trước Viktoria Plzen ở Europa League ngày 12/12, Rashford đã vắng mặt ở 11 trên 12 trận tiếp theo. Ngày 30/12, Rashford trở lại ghế dự bị trong trận gặp Newcastle - trận đấu mà Bruno Fernandes và Manuel Ugarte bị treo giò. Nhưng ngay cả khi MU bị dẫn 2-0, Amorim vẫn không tung Rashford vào sân. "Lần này cậu ấy có tên trong danh sách, còn lần sau thì chưa chắc", Amorim nói. Một thông điệp rõ ràng.

Ngày 3/1, Amorim xác nhận Rashford không tập luyện trong tuần vì "ốm" và khả năng sẽ bỏ lỡ trận gặp Liverpool. Trả lời Sky Sports, ông chia sẻ: "Chuyện đó tùy thuộc vào cậu ấy. Cậu ấy phải thực sự khao khát. Tôi chỉ chọn người nào sẵn sàng thi đấu". Rashford sau đó vắng mặt trận hòa 2-2 với Liverpool, trận đấu đánh dấu bước ngoặt phong độ của MU dưới thời Amorim. Và lúc này, Rashford đang tiến gần tới việc chuyển sang Aston Villa theo dạng mượn.

Amorim là người đánh giá cầu thủ bằng mắt nhìn thực tế và không dễ lung lay bởi những lời giải thích. Khi đội hình trận gặp Man City của MU được đăng lên nhóm WhatsApp, các cầu thủ hiểu rằng Amorim đang muốn "chấn chỉnh" Rashford. Cách xử lý của Amorim nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo cấp cao như giám đốc điều hành Omar Berrada và giám đốc kỹ thuật Jason Wilcox.

Amorim từng phát biểu: "Chúng tôi đã thử nhiều cách với Rash. Nhưng khi không hiệu quả, thì phải đổi hướng". Thực tế, cách tiếp cận tâm lý với Rashford từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi ở MU. Trong một buổi tập trước vụ ở Belfast, trợ lý Steve McClaren tổ chức một trận đấu mini giữa các nhóm cầu thủ. Khi trận chung kết đang gay cấn, ông đùa rằng "Rash sẽ là người quyết định". Nhưng phản ứng của Rashford là hỏi lại: "Tại sao lại đổ hết áp lực lên tôi?".

McClaren nhận ra Rashford cần cách xử lý đặc biệt, và đã chia sẻ điều đó với Sir Dave Brailsford. Sau trận gặp Newport, Brailsford có buổi nói chuyện đầu tiên với toàn đội về chiến lược của INEOS, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao tiêu chuẩn. Bài nói chuyện đó ảnh hưởng mạnh đến Rashford, khiến anh chủ động xin gặp riêng Brailsford trong 90 phút.

 
 

Tự mình hại mình

Từ lúc ra mắt năm 2016, Rashford đã chơi dưới thời 8 HLV khác nhau - một con số lớn khiến cầu thủ nào cũng mệt mỏi. Ngược lại, chính anh cũng là bài toán khó cho các HLV. Rangnick từng nói Rashford tập rất tốt nhưng không thể hiện được điều đó khi vào trận. Solskjaer thì lúng túng với vị trí sở trường của anh khi Jadon Sancho cũng thích đá cánh trái. Ten Hag ban đầu có mối quan hệ tốt với Rashford, giúp anh ghi 30 bàn mùa 2022/23, song sau đó bất đồng về cách huấn luyện nổ ra. Ở trận cuối cùng Rashford ghi bàn dưới thời Ten Hag, gặp Porto tại Europa League, anh bị thay ra sau hiệp 1 vì không hỗ trợ phòng ngự.

Thành thực mà nói, Sir Jim Ratcliffe rất muốn "hồi sinh" Rashford sau khi tiếp quản MU. Nhưng 6 tháng trôi qua không thấy tiến triển, khiến ban lãnh đạo đã thay đổi thái độ, ủng hộ Amorim gạt anh ra khỏi đội hình. Khi kỳ chuyển nhượng tháng Giêng mở cửa, đại diện của Rashford bắt đầu tìm CLB mới. Anh tuyên bố sẵn sàng "đón nhận thử thách mới" - một sự thừa nhận rằng MU đã quyết định tương lai không còn dành cho anh. "Khi tôi rời MU, tôi sẽ không có lời nào tiêu cực. Không hề oán trách", Rashford viết trên X ngày 17/12/2024.

Xét cho cùng, Amorim không ghét bỏ gì Rashford, trái lại, đánh giá rất cao tiền đạo 27 tuổi. Tuy nhiên, thứ mà ông là sự nỗ lực của cậu học trò. Amorim nói: "Chúng tôi là một đội bóng tốt hơn khi có Marcus Rashford, điều đó là rõ ràng. Cậu ấy là một tài năng lớn, nhưng cho đến khi thời điểm thích hợp tới, tôi sẽ không thay đổi quan điểm. Thế thôi.

Hãy nhìn vào đội hình của chúng tôi, rồi tưởng tượng một cầu thủ như Rashford có mặt, đội bóng chắc chắn sẽ mạnh hơn. Nhưng cậu ấy phải thay đổi. Nếu Rashford thay đổi, chúng tôi rất sẵn lòng chào đón một tài năng như cậu ấy trở lại đội hình. Và chúng tôi cần cậu ấy. Nhưng lúc này, điều rõ ràng là chúng tôi cần thiết lập những chuẩn mực chung. Chúng tôi đang chờ Marcus, nếu cậu ấy thật sự khao khát quay lại. Tôi không có vấn đề cá nhân gì với Marcus. Tôi chỉ phải áp dụng cùng một quy tắc với tất cả mọi người".

Rốt cuộc, Rashford đã bị đẩy sang Aston Villa theo dạng mượn ở nửa sau của mùa giải 2024/25. Và dù ít nhiều gây được ấn tượng tại Villa Park, Rashford vẫn bị Amorim liệt vào nhóm cần thanh lý ở hè 2025 - một cái kết không thể tránh khỏi.

 
 

Sự giải thoát cho tất cả

Hành trình tiếp theo của Rashford sẽ là trong màu áo Barca. Và lần này, đó nên là lời chia tay thật sự. Không phải vì anh không còn đủ đẳng cấp để chơi cho một Man United vừa kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 15, bởi nếu thế thì Rashford đã không gia nhập nhà ĐKVĐ La Liga, Barcelona.

Cũng chẳng phải vì mối quan hệ giữa anh và CLB thời thơ ấu đã rạn nứt đến mức không thể hàn gắn, bởi vẫn còn tồn tại sự tôn trọng cùng tình cảm từ hai phía, và nên là như vậy. Và cũng không phải vì anh hết đường trở lại, bởi chẳng ai dám chắc Amorim sẽ vẫn còn là thuyền trưởng MU khi mùa giải 2025/26 kết thúc, thời điểm Barca cân nhắc có kích hoạt điều khoản mua đứt Rashford hay không.

Đã đến lúc khép lại một trong những hành trình nhiều cảm xúc song cũng nhiều sóng gió nhất ở Old Trafford trong thập kỷ qua. Đây không chỉ là thời điểm đúng, mà còn là thỏa thuận đúng. Một thương vụ giải quyết được những nguyện vọng của tất cả các bên liên quan. Nói cách khác, nó giống như một sự giải thoát vậy.

Với Rashford, anh đến đội bóng mà mình ao ước nhất trong mùa hè này - một động thái mà anh từng hy vọng có được ngay từ tháng Giêng năm nay, dù khi đó chỉ tạm "neo mình" bằng một bản hợp đồng cho mượn đến Aston Villa để duy trì phong độ ở đẳng cấp cao nhất. Với HLV Amorim, người được ban lãnh đạo MU trao toàn quyền làm việc cùng những cầu thủ thật sự cam kết với triết lý của ông, thì việc chia tay Rashford giúp chiến lược gia 40 tuổi không còn vướng bận với ngôi sao lớn song thiếu quyết tâm.

Với Man United, việc Barca đồng ý trả toàn bộ mức lương khổng lồ (hơn 325.000 bảng/tuần) của Rashford giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính. Dĩ nhiên, nếu bán đứt được với mức giá lớn thì vẫn tốt hơn, nhưng một bản hợp đồng cho mượn đã là lựa chọn thực tế.

Cần nhớ rằng chỉ vài tuần trước, một cái kết làm hài lòng tất cả còn tưởng như là điều không thể. Khả năng Rashford cập bến Barca cũng mờ mịt, nhất là khi gã khổng lồ xứ Catalunya dồn lực theo đuổi Nico Williams. MU cũng chẳng giúp được tình hình. Khi có thông tin Rashford cùng 4 cầu thủ khác (Alejandro Garnacho, Jadon Sancho, Antony, Tyrell Malacia) không nằm trong kế hoạch được cho phép tập trung muộn để tìm bến đỗ mới, giới chuyên gia cho rằng MU đã tự làm yếu thế thương lượng của mình.

Dù vậy, Rashford vẫn quay lại Carrington vào thứ đầu tuần đó, tập riêng một mình. Những người thân cận khẳng định anh luôn sẵn sàng trở lại đúng ngày khởi động mùa giải mới dù không còn trong kế hoạch của Amorim. Thậm chí, khi được yêu cầu chỉ đến Carrington sau khi đội một tập xong, Rashford vẫn giữ nhịp luyện tập bằng cách tập sáng ở nơi khác rồi mới tới sau.

Có cảm giác Rashford đã trở thành nhân vật chỉ được nhìn nhận qua hai thái cực, hoặc là siêu sao, hoặc là thất bại. Điều đó khiến chính bản thân anh cũng cảm thấy mệt mỏi. Khi MU đánh bại Man City trong trận chung kết FA Cup 2023/24, Rashford đã rơi nước mắt. Một người thân cận trong CLB cho biết đó không phải là nước mắt hạnh phúc, mà là sự nhẹ nhõm sau một mùa giải căng thẳng.

Sức ép với một cầu thủ sinh ra ở Manchester, lớn lên trong học viện, luôn rất lớn, và Rashford có thể đã quá tải. Sự thiếu ổn định trên sân, cùng một số lựa chọn sai lầm ngoài đời tư, có thể bắt nguồn từ nỗi sợ thất bại. Dĩ nhiên, có người sẽ nói: chuyện này không nên xảy ra. Rất buồn. Một tài năng cây nhà lá vườn, từng cam kết tương lai với CLB, rời đi khi mới 27 tuổi - đáng lẽ đó phải là thời kỳ đỉnh cao.

Đó không phải điều thường xảy ra với những cái tên như Duncan Edwards, Ryan Giggs hay Paul Scholes - những người chỉ biết đến một màu áo. Rashford là hình ảnh hiện đại của truyền thống MU. Và anh vẫn mãi là một phần của di sản ấy. Nhưng sự thật là cả Rashford lẫn MU đã cùng nỗ lực để biến cuộc chia tay này thành hiện thực.

 
 

Hồi sinh hay hồi kết?

Liệu đây có phải là kết thúc thật sự? Có thể chưa. Nếu Barca không mua đứt, Rashford có thể trở lại Old Trafford hè tới, thời điểm hợp đồng của anh vẫn còn 2 năm. Biết đâu khi ấy MU có HLV trưởng mới, sẵn sàng trao cơ hội khác? Hoặc nếu không, MU có một kỳ chuyển nhượng để bán anh, tránh mất trắng năm 2028. Song với tất cả những gì đã xảy ra, vì tương lai của Rashford và vì sự trong sạch của chính MU, lần chia tay này nên là mãi mãi.

Liệu Rashford có thể tìm lại đỉnh cao tại Barca? Rõ ràng là có. Ở tuổi 27, mọi thứ chưa phải dấu chấm hết với anh. Tuy nhiên, thành hay bại, tất cả đều phụ thuộc Rashford, vào sự quyết tâm cùng khát khao của chàng trai này. Bản thân Rashford chắc chắn thừa hiểu điều đó, nên hãy cháy hết mình một lần nữa khi còn có thể.

Chúc may mắn, Marcus Rashford!

 
 
Thực hiện
Đỗ Trung

Một sản phẩm của Bongdaplusvn.com

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6, Tòa nhà Licogi 13 Tower, 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6, Tòa nhà Licogi 13 Tower, 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay