Bóng Đá Plus trên MXH

Anh em điền kinh Quách Công Lịch và Quách Thị Lan: Chỉ bên gia đình là mùa Xuân thôi
Đỗ Tuấn • 06:55 ngày 01/02/2022
Làng thể thao Việt Nam, đặc biệt là đội tuyển điền kinh chẳng ai xa lạ anh em ruột Quách Công Lịch – Quách Thị Lan.

    Ngoài thành tích đáng gờm ở đấu trường quốc tế, anh em nhà họ Quách còn nổi danh là “nam thanh, nữ tú”. Đã 10 năm góp mặt ở đội tuyển điền kinh Việt Nam và luôn sống xa nhà, nên mỗi dịp Tết đến anh em nhà họ Quách lại rất háo hức. Với họ chỉ khi về bên mái ấm gia đình cùng bố mẹ, đấy mới đúng là mùa Xuân…

    Bén duyên thể thao rất tình cờ

    Anh em nhà họ Quách đến với điền kinh khá muộn. Họ xuất thân từ các giải phong trào ở trường THPT của tỉnh Thanh Hoá, sau đó được gọi lên tập luyện đỉnh cao cho điền kinh của xứ Thanh. Năm 2012, anh em nhà họ Quách bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý của giới chuyên môn khi Quách Công Lịch giành HCV nội dung 400m, trong lúc Quách Thị Lan lên ngôi vô địch nội dung 400m rào. Thành tích ấy giúp họ chính thức trở thành tuyển thủ quốc gia và đưa hai anh em họ ra ăn tập tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội từ đó.

    Luận về thành tích, cô em gái Quách Thị Lan (1995) nổi trội hơn nhiều so với ông anh Quách Công Lịch (1993). Nói thế, bởi Quách Thị Lan đã là nhà vô địch Asian Games 2018 nội dung 400m rào với thành tích 55”30, nhưng điều khiến người ta nhớ đến cô nhất lại là chiếc HCB 400m ở Asian Games 2014. Nói thế, vì đó là thành tích cao nhất của điền kinh Việt Nam tại kỳ Á vận hội 2014 diễn ra ở Incheon (Hàn Quốc), sau 3 chiếc HCB của Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương đã giành được ở nội dung chạy 200m, 800m và 1.500m ở kỳ đại hội cách đấy 4 năm trước ở Quảng Châu. 

    Tuy nhiên, trong tất cả tuyển thủ điền kinh thì Quách Thị Lan và Quách Công Lịch được đầu tư khá nhiều khi có rất nhiều chuyến tập huấn nước ngoài, trong đó có 2 lần tập huấn tại Mỹ, nhưng thành tích vẫn chưa xứng tầm, đặc biệt ở SEA Games. Nói thế, bởi cả hai anh em chưa từng vô địch nội dung cá nhân ở các kỳ SEA Games họ tham dự. Thành tích cao nhất của họ là HCV các nội dung tiếp sức 4x400m, riêng Quách Công Lịch chỉ mới có vàng các nội dung tiếp sức tại SEA Games 30.

    Lý giải về điều này, Quách Công Lịnh thẳng thắn: “Cả hai anh em tôi đều khá xui xẻo khi trước những giải đấu lớn, đặc biệt là SEA Games thường dính chấn thương, nhưng bên cạnh đó cũng có phần do tâm lý, nhất là em Lan. Lâu nay ai cũng biết Lan thường kém về tâm lý, ở những giải đấu lớn hẳn như Asian Games do không bị sức ép thành tích nó luôn thi rất tốt, nhưng tại SEA Games trước áp lực phải vô địch là y như rằng thất bại. Riêng tôi, tập luyện tốt, nhưng vào giải gặp đối thủ quá mạnh thì đành chịu”…

    Quách Thị Lan

    Mỗi lần về nhà đều là Tết

    Năm 2022, đúng 10 năm cả hai anh em đi theo nghiệp thể thao đỉnh cao. Quách Công Lịch hồi tưởng: “Nhanh thật, mới đấy mà chúng tôi đã xa nhà được 10 năm rồi. Thời gian qua do tập trung đội tuyển, nên cả hai anh em chỉ về nhà vào dịp Tết, nhưng cũng chẳng được mấy ngày. Ở nhà chỉ có bố mẹ đã lớn tuổi, nên chúng tôi cũng lo lắm. Mừng là ở xung quanh có nhiều bà con họ hàng, nên mọi người thường xuyên chạy qua chạy lại thăm nom”.

    Cần nói thêm, anh em nhà họ Quách là người dân tộc Mường và đang sống tại huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hoá), nhưng bấy lâu nay những người dân ở địa phương đều đón năm mới theo phong tục của người Kinh. Quách Thị Lan chia sẻ: “Do tập trung ĐTQG nên bọn em được về nhà trễ lắm, thường là 27-28 tết mới xả trại. Khi về bọn em cũng tranh thủ mua một ít quà bánh, những thứ ở quê không có để làm quà cho mọi người, còn lại cứ về quê mua cho tiện. Ba mẹ em vốn tằn tiện lắm, nên nhiều lúc ông bà chẳng mua sắm gì cho bản thân nhà cửa, nên hai anh em về là sắm sửa trang hoàng tưng bừng, mẹ cứ mắng là hoang phí”.

    Công Lịch tiếp lời em gái: “Mỗi lần anh em chúng tôi về là cả nhà lại rộn ràng… như Tết. Em Lan lo phụ mẹ đi chợ, mua sắm và nấu nướng. Lan nấu ngon lắm nhé, các loại bánh mứt đều làm được tuốt, có điều ăn được hay không tính sau (cười). Chưa kể Lan và mẹ còn gói bánh chưng để ở nhà ăn Tết và biếu mọi người. Riêng tôi thì phụ trách dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. À, bố mẹ tôi ngộ lắm, ông bà tiết kiệm điện đến độ bóng đèn hư cũng mặc kệ chả thèm nhờ người sửa, nên mỗi khi tôi về là phải thay hàng loạt bóng để bật cho sáng”.

    Quách Thị Lan cho biết, cô học nấu nướng kể từ lúc phải sống xa nhà. “Đặc biệt chuyến tập huấn tại Mỹ hồi năm 2013 đã giúp tay nghề bếp núc của em lên rất cao”, Lan hóm hỉnh. Tuy nhiên, chuyến tập huấn lần thứ 2 ở Mỹ vào năm 2016 cũng là cái Tết buồn nhất của hai anh em, bởi khi ấy họ phải sống xa nhà suốt một năm trời tại bang Florida (Mỹ). Công Lịch kể: “Năm ấy hai anh em tập huấn ở xa đã buồn, Tết gọi điện về nhà càng thương bố mẹ, bởi chúng tôi ở xa nên cả hai ông bà đều chẳng thiết gì Tết, nên năm ấy ở nhà buồn hiu. Gọi điện về, mẹ toàn khóc làm hai đứa cứ xốn xang”.

    Đã có lần buồn nhất thì phải có năm vui nhất, theo đó Quách Thị Lan cho biết: “Tết 2020 có lẽ là năm vui nhất của anh em tôi, bởi cả hai đều giành HCV ở SEA Games 30-2019. Đấy dẫu chỉ là những HCV tiếp sức, nhưng đều khiến anh em chúng tôi cảm thấy vui và tự hào khi đã có những đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, với anh em chúng tôi, chỉ có về bên ba mẹ là mới thấy mùa Xuân”.

    Quách Công Lịch

    Hướng đến HCV cá nhân ở SEA Games 31

    Chưa từng giành HCV cá nhân tại SEA Games, nên khát khao của anh em nhà họ Quách chính là phải chinh phục cho được ngôi vô địch cá nhân ở những cự ly sở trường mà họ đang nắm giữ. Theo đó, mục tiêu của Quách Thị Lan là nỗ lực giành HCV nội dung chạy 400m và 400m rào, trong lúc Quách Công Lịch đang tập trung vào cự ly chủ lực 400m rào nam và tiếp sức 4x400m. Ngoài ra, Quách Thị Lan còn có thêm một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nữa, chính là bảo vệ chiếc HCV 400m rào mà cô đang là nhà vô địch tại Asian Games 2022 sẽ diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 8.

    SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 tới tại Hà Nội, mục tiêu của đội tuyển điền kinh Việt Nam là phải bảo vệ được ngôi nhất toàn đoàn đang nắm giữ. Để đạt được điều ấy, tuyển điền kinh Việt Nam phải giành từ 17 đến 19 HCV, một con số không hề nhỏ dẫu SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà. Trong đó, mục tiêu của anh em nhà họ Quách là phải giành được ít nhất 3 HCV. 

    Thi đấu xa nhà biền biệt, anh em nhà họ Quách chỉ mong sớm được đoàn tụ với gia đình dịp xuân về

    Muốn hoàn thành mục tiêu đề ra, đầu tiên các tuyển thủ phải được thi đấu cọ xát, nhưng suốt từ sau SEA Games 30 đến nay, các VĐV điền kinh chỉ đều tập chay và thi đấu trong nước do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế, tất cả đều mong dịch bệnh tạm ổn để họ có thể được thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế vào đầu năm 2022. Theo lịch, vào tháng 3 sẽ có giải điền kinh thế giới trong nhà tại Trung Quốc, hoặc giải các nội dung tiếp sức châu Á tại Thái lan cũng vào tháng 3. Riêng giải vô địch điền kinh châu Á sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 5… Tuy nhiên, tất cả giải đấu này đều chỉ là dự kiến.

    Nói về mục tiêu năm 2022, Quách Thị Lan cho biết: “Trước giải, để nói về thành tích e hơi khó, nhưng em và anh Lịch tin mình sẽ đạt được những mục tiêu đề ra. Ngoài SEA Games, em còn một đấu trường quan trọng nữa là Asian Games 2022. Do dịch bệnh nên các giải đấu diễn ra san sát nhau khiến bọn em cũng rối, nhưng  phải cố thôi”.

    Nhìn nụ cười rạng rỡ của anh em nhà họ Quách khi chia sẻ về mục tiêu của họ, bất giác người viết như thấy cả mùa Xuân đang về…

    Quách Thị Lan vào bán kết Olympic Tokyo 2020

    Sau SEA Games 30, tuyển điền kinh Việt Nam hầu như chỉ tập chay. Tuy nhiên, trong năm 2021, Quách Thị Lan là tuyển thủ duy nhất của điền kinh Việt Nam có mặt thi đấu ở Olympic Tokyo 2020. Tại đại hội, Quách Thị Lan đã trở thành tuyển thủ đầu tiên của điền kinh Việt Nam lọt vào đến bán kết nội dung 400m rào với thành tích 55”71, đây chưa phải là thông số tốt nhất của cô, bởi kỷ lục quốc gia Lan đang nắm giữ là 55”30. Tuy nhiên, sau đó Quách Thị Lan đã dừng bước ở bán kết khi về đích thứ 6/7.

    Năm nay khó có Tết

    SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 tới tại Hà Nội, nên các đội tuyển thể thao đều đang tất bật chuẩn bị, điền kinh càng không ngoài cuộc. Thế nên, các tuyển thủ thể thao đều có chút lo lắng rằng năm nay họ khả năng sẽ không có Tết, bởi thời gian chuẩn bị cho đại hội quá gấp. Quách Công Lịch chia sẻ: “Ngay sau tết, bọn em phải chuẩn bị tham dự các giải đấu quốc tế để cọ xát, trong đó có cả giải điền kinh tiền SEA Games, nên chưa biết có được về ăn tết hay không. Nếu có về chắc cũng rất ngắn ngày, vì ngay sau đó phải quay lại tập luyện”

     

    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội