Văn hóa bóng đá Brazil: Không dị, không lạ thì không đúng bản sắc

Kinh Thi
Từ 06:08 ngày 02-02-2014
Chuyện lạ ở đây không phải là chuyện giật gân, mà đều là những câu chuyện nghiêm túc nhưng có nội dung lạ lùng. Đấy là những chuyện đặc trưng, chỉ có ở Brazil. Văn hóa bóng đá Brazil chính là từ những câu chuyện như thế này. Chúng tôi chắt lọc 14 câu chuyện điển hình để giới thiệu trước năm 2014, cũng là trước thềm World Cup 2014 tại Brazil.
Brazil hay nhờ “những ngôi sao đen”


Arthur Friedenreich là cầu thủ chuyên nghiệp da đen đầu tiên ở Brazil, có ông ngoại vốn là một nô lệ. Ông cũng là cầu thủ Brazil đầu tiên được đưa lên hàng ngũ huyền thoại. Hồi đầu thế kỷ 20, người da đen ở Brazil chưa được chơi bóng. Ban đầu, Friedenreich phải bôi phấn lên mặt để làm trắng da mỗi khi ra sân. Ông lên ĐTQG lần đầu năm 1914 và là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử bóng đá (hơn 1.300 bàn).

Huyền thoại đầu tiên của bóng đá Brazil là một cầu thủ da đen. Ngôi sao Brazil đầu tiên tỏa sáng ở  World Cup cũng là người da đen (Leonidas, tại World Cup 1938). Vua bóng đá  Pele là người da đen. Garrincha cũng có tổ tiên là nô lệ. Tổng quát, ĐT Brazil chỉ thực sự thăng hoa từ khi các cầu thủ da đen xuất hiện.

Nhà hiền triết Socrates


Ông đã qua đời hồi năm 2011, khiến giới hâm mộ khắp nơi thương tiếc. Ông là một bác sĩ và là ngôi sao hàng đầu thế giới trong thập niên 1980. Pele nói về tuyệt chiêu đánh gót của ông: “Socrates chuyền bóng về phía sau chính xác hơn khối cầu thủ chuyền về phía trước”. 

Ông nổi tiếng với những việc làm đề cao tinh thần dân chủ ở CLB Corinthians của mình, lại càng nổi tiếng với những câu nói đầy triết lý khi trả lời phỏng vấn. Đấy là một ngôi sao bóng đá có học thức vô cùng uyên thâm. Hay nói cách khác: ở Brazil, một học giả uyên thâm vẫn có thể tỏa sáng trên sân bóng, như Socrates. Tên chính thức của ông dài thậm thượt: Socrates Brasileiro Sampaio de Souza Vieira de Oliveira.

Dunga - chú lùn Ngốc Nghếch


Chú lùn Ngốc Nghếch trong truyện “Bạch Tuyết và 7 chú lùn” tên là Dopey, viết theo kiểu Brazil là Dunga, và đấy chính là nguồn gốc của biệt danh này. Dunga là thủ quân ĐT Brazil vô địch World Cup 1994 và Á quân World Cup 1998. Anh là một tượng đài về mặt chuyên môn. Nhưng, mặc kệ! Ở Brazil, mọi cầu thủ chơi tiền vệ trụ, thành công bằng tinh thần, ý chí nhiều hơn kỹ thuật, đều bị xem thường. Loại cầu thủ như thế chỉ đáng có biệt danh... như thế!

Nguồn gốc chiếc áo vàng nổi tiếng


Trận thua Uruguay tại World Cup 1950 ám ảnh người Brazil đến nỗi ngay cả màu áo của ĐTQG cũng bị xét tội. Màu trắng trông như... cờ trắng, và nó chẳng mang chút biểu tượng nào của Brazil, thua là đúng rồi! Một cuộc thi vẽ lại trang phục cho ĐTQG đã được tổ chức ở quy mô toàn quốc. Yêu cầu bắt buộc: mẫu nào cũng phải dùng đủ 4 màu trên quốc kỳ Brazil (vàng, lam, lục, trắng). Aldyr Garcia Schlee, 19 tuổi, chuyên vẽ minh họa cho các trang báo thể thao thời ấy, đoạt giải. Với trang phục mới, Brazil vô địch 3 lần trong 5 kỳ World Cup kế tiếp!

Đuổi trọng tài  thay vì đuổi Pele


Trong một lần cùng Santos đá giao hữu tại Colombia, Pele liên tục bị hậu vệ đối phương chơi xấu. Ông trả đũa và lĩnh thẻ đỏ một cách đích đáng. Khi vào đường hầm, đã tháo giày và chuẩn bị đi tắm, Pele bỗng được nhân viên sân bãi hối hả mời quay ra sân. Ra đến đường biên, chính Pele không tin vào mắt mình. Khán giả nổi cơn thịnh nộ, cho rằng trọng tài mới đáng bị đuổi. Thế là phải thay trọng tài, và Pele vào sân đá tiếp. Người ta gọi Pele là “Vua bóng đá” vì những chi tiết như vậy, chứ không đơn giản chỉ vì tài năng chuyên môn.

Thủ môn cũng phải... ghi bàn


Trong 517 trận đấu cho Sao Paulo, thủ môn Rogerio Ceni ghi 54 bàn, và đấy là chỉ tính ở giải VĐQG, chưa kể những bàn thắng ở Copa Libertadores và nhiều giải khác. Đấy là thủ môn đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) trong làng bóng đỉnh cao đạt đến cột mốc ghi hơn 100 bàn thắng và được tổ chức thống kê IFFHS công nhận. Tất cả đều là bàn thắng từ pha sút phạt (không nhất thiết là phạt đền). Ceni đã khoác áo Sao Paulo hơn 20 năm. Anh quan niệm, ở Brazil, ngay cả thủ môn cũng phải biết cách ghi bàn. Ceni bắt gôn cũng giỏi, đã 17 lần khoác áo ĐTQG.

Tôi thua vì tôi... không thắng


Sau khi Brazil thua Pháp 0-3 trong trận chung kết World Cup 1998. Cả Thượng viện lẫn Hạ viện Brazil đều tiến hành những cuộc điều tra riêng rẽ, xem vì sao... thua. Hàng chục nhân vật nổi tiếng nhất trong làng bóng phải ra điều trần. Báo chí dành hẳn trang riêng để viết bài về diễn tiến lâu dài của những vụ này, chẳng khác gì trang riêng về giải VĐQG. 

Dĩ nhiên, không thể rút ra điều gì từ những cuộc điều tra kỳ cục như vậy. Khi bị chất vấn “vì sao Brazil thua Pháp”, ngôi sao Ronaldo nói câu đầu tiên, trong sự chờ đợi hồi hộp của báo chí: “Xin lỗi, tôi có thể uống một ly nước?”. Sau đó anh nói: “Tôi thua vì tôi không thắng. Ngốc thế mà cũng hỏi được!”.

HLV ĐTQG đi tù kiểu HLV


Vanderlei Luxemburgo là HLV trưởng ĐTQG trong giai đoạn 1998-2000. Chỉ trong 2 năm, ông gọi 91 cầu thủ khác nhau lên tuyển. Những cầu thủ lần đầu được tuyển lập tức lên giá trên TTCN. Các bên liên quan ăn chia với nhau. Bồ cũ của Luxemburgo tố cáo khiến scandal vỡ lở. Thế là một trong những HLV nổi tiếng nhất Brazil lĩnh án. Nhưng ông chỉ phải vào tù để... ngủ. Ban ngày, Luxemburgo vẫn được tự do huấn luyện, dĩ nhiên là không được ra nước ngoài.

Người Brazil yêu Garrincha hơn Pele


Thế giới công nhận Pele là “Vua bóng đá”, nhưng dân Brazil lại yêu mến Garrincha hơn. Huyền thoại này có lối sống cực kỳ phóng túng, nhất là trong khía cạnh tình dục. Khi Garrincha lần đầu tiên “biết mùi đời” thì “đối tác” của ông là một con dê. 

Khi có người tỏ vẻ hoài nghi về chi tiết ấy, cây bút  nổi  tiếng Alex Bellos đã đính chính: “Xin lỗi, nhiều con dê chứ không phải một”. Từ một pha lừa bóng ngộ nghĩnh của Garrincha hồi năm 1958, cách hát “olé” lần đầu tiên xuất hiện trong môn bóng đá. 

Chân ông cong vòng, bên thấp bên cao. Cùng Pele và đồng đội, ông vô địch các kỳ World Cup 1958, 1962. Nhưng Garrincha chỉ chơi bóng vì niềm vui và chết trong đói nghèo. Mỗi khi ĐT Brazil họp chiến thuật, HLV phát cho Garrincha một cuốn truyện tranh, vì ông chẳng bao giờ quan tâm đến chiến thuật!

Không có... mùa bóng!


Brazil là đất nước dài nhất  thế giới và lớn nhất Nam Mỹ. Số lượng sân bay của Brazil đứng thứ 2, hệ thống giao thông đường bộ lớn thứ 3 trên thế giới. Tóm lại, giao thông là một vấn đề quan trọng ở đất nước rộng lớn này. Vậy, bóng đá Brazil làm thế nào trong thời kỳ giao thông chưa phát triển? Khi đã 3 lần vô địch World Cup, Brazil vẫn chưa tổ chức được giải VĐQG! Sinh hoạt chính của bóng đá Brazil cho đến năm 1970 là giải vô địch của từng bang (26 bang). Giải VĐQG Brazil chỉ xuất hiện từ năm 1970, và tồn tại một cách èo uột, với thể thức thay đổi gần như hằng năm.  Chỉ từ năm 2003, giải này mới được tổ chức ổn định theo thể thức vòng tròn 2 lượt. Với các giải vô địch bang, Cúp Quốc gia và VĐQG được tổ chức liền kề, bóng lăn quanh năm trên sân cỏ Brazil (coi như không có mùa bóng, vì đâu có lúc nào các đội nghỉ ngơi).

500 CLB chuyên nghiệp


Ở Anh, tức quê hương bóng đá, chỉ có 92 CLB chuyên nghiệp. Cho đến cách đây vài năm, Đức chỉ có 34 CLB chuyên nghiệp. Vậy mà Brazil có đến 500 CLB chuyên nghiệp. Điều đáng lưu ý, đến năm 1970, Brazil vẫn chưa có giải VĐQG! Mỗi năm có đến hàng ngàn cầu thủ Brazil được bán ra nước ngoài. Người ta lập đội nhà nghề để có tư cách bán cầu thủ hơn là để chơi bóng. Tuyển 10 cậu bé bán kem dạo ngoài bãi biển hoặc lang thang trên hè phố, sẽ có 5 cậu biết chơi bóng. Sau khi đào tạo đến 16 tuổi, sẽ bán được 2-3 cầu thủ, và đấy chỉ là mắt xích đầu tiên. Hệ thống cứ thế phát triển, lan rộng. Đội nhỏ bán cho đội lớn. Đội lớn bán sang BĐN... Hãng tin CNN từng thống kê: có khoảng 10.000 cầu thủ Brazil đang chơi bóng theo hình thức nhà nghề trên khắp thế giới.

Ronaldo... đái dầm


Còn bé thì chẳng nói làm gì. Đằng này, siêu sao Ronaldo vẫn tè ra giường khi anh đã là ngôi sao nức tiếng trong màu áo PSV Eindhoven. Càng lạ hơn, khi chính miệng Ronaldo nói ra điều ấy khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Buộc Ronaldo phải tự miệng nói ra điều ấy  là “chiến tích” của người đẹp Xuxa. 

Ở Brazil, Xuxa nổi tiếng trong nhiều vai trò: doanh nhân, diễn viên, dẫn chương trình truyền hình, ca sỹ... Xuxa từng cặp kè với Pele, tay đua Ayrton Senna, và một vài ngôi sao nổi tiếng khác. Vì sao Xuxa dẫn dắt được Ronaldo như thế? Có một chi tiết rõ ràng: Ronaldo có một sự say mê đặc biệt đối với những người đẹp tóc vàng!

Sân bóng trên đường xích đạo


Đường giữa sân của SVĐ Zerao hoàn toàn trùng khớp với đường xích đạo. Đấy là sân bóng của thành phố Macapa, thuộc bang Amapa ở phía Bắc Brazil. Sân này có 10.000 chỗ, được xây vào năm 1990 với thiết kế... chẳng giống ai. Điểm độc đáo duy nhất của nó là mỗi đội đứng trên một bán cầu. 

Gặp may, cầu thủ có thể ghi bàn trên cả 2 bán cầu chỉ trong một trận. Nam thanh, nữ tú thường kéo đến sân này vào ban đêm để bày cuộc mây mưa ngay trên đường biên giữa sân, tha hồ hứng khởi với những chi tiết có một không hai tại cái địa điểm độc đáo ấy.

Thói quen... tè ngay trên sân


SVĐ Maracana là một trong những thánh địa nổi tiếng nhất trong thế giới bóng đá. Nó được cấp tốc xây dựng để phục vụ World Cup 1950 và đã đón khoảng 200.000 khán giả trong trận Brazil - Uruguay tại giải ấy. Nhưng nhiều năm sau, việc xây sân mới kết thúc, khi hệ thống nhà vệ sinh được hoàn chỉnh. 

Chẳng ai quan tâm đến chi tiết ấy, bởi cách sống phóng túng khiến khán giả Brazil có thể tè bậy ngay trên khán đài. Hơn nữa, làm sao có thể mất đến vài phút để đi vào nhà vệ sinh, khi mà bàn thắng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào? Chất amoniac thấm đẫm và ăn mòn các bậc bê tông đến nỗi một phần khán đài từng đổ sụp trong thập niên 1980. Bây giờ, Maracana đã được chỉnh trang với sức chứa nhỏ hơn, và đấy vẫn là sân bóng số 1 của World Cup 2014.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: [email protected]
 

x