Tuấn Anh: 'Khu rừng nội tâm' và hãy để đôi chân giãi bày

Trí Công Trí Công
13:53 ngày 19-11-2023
“Mỗi một người đều có một khu rừng thuộc về bản thân...” Một trong những chiêm nghiệm của nhà văn Nhật Bản Hakuri Murakami có lẽ đúng với Nguyễn Tuấn Anh - cầu thủ hướng nội, thường giấu kín những tâm tư, tình cảm trong lòng. Chỉ có người thực sự bước được vào “khu rừng” của Tuấn Anh mới hiểu hết những gì thuộc về anh.

 Bóng đá đến tình cờ và tôi chấp nhận sự tình cờ ấy 

Cảm ơn Tuấn Anh đã tham gia trò chuyện. Thông qua một người bạn thân của anh, tôi được biết Tuấn Anh rất thích sách của nhà văn Haruki Murakami. Cuốn “Ngôi thứ nhất số ít” này như một món quà mà tôi dành cho bạn. Bởi trong suy nghĩ của tôi hay nhiều người, Tuấn Anh ở đây, tồn tại trong bóng đá Việt Nam như với tư cách của ngôi thứ nhất số ít.

Cảm ơn anh về món quà. Tôi thật sự là fan hâm mộ của nhà văn Haruki Murakami. Nhưng riêng cuốn "Ngôi thứ nhất số ít" thì tôi lại hơi khó đọc. Có thể một phần tôi chờ đợi ở văn phong khác đến từ Haruki. Cảm nhận từ quan điểm của cá nhân tôi là vậy.

Tôi chưa đọc cuốn Ngôi thứ nhất số ít này. Nhưng qua giới thiệu về nội dung, Haruki Murakami dẫn dắt người đọc về những lát cắt cuộc đời, để từ đó ở góc nhìn của chính cái tôi bản thân, họ chiêm nghiệm về những gì đã qua. Tuấn Anh này, số phận gắn liền với bóng đá của anh, mở đầu như thế nào? Nhất là khi anh không phải thuộc diện tìm đến bóng đá để thoát nghèo. Bố của anh là bác sỹ, mẹ của anh làm trong ngân hàng. Một cuộc sống phải nói là đủ đầy.

Từ nhỏ, tôi đúng là không có ý định sẽ theo bóng đá. Nhưng nó đến bởi một sự tình cờ mà tôi chấp thuận. Ở lớp học, giữa những người bạn rất giỏi của mình, tôi tự cảm thấy mình bình thường và không bằng họ. Nhưng tôi lại thấy mình giỏi hơn họ ở môn bóng đá. Cùng thời điểm ấy, bố cũng rất ủng hộ tôi đến với thể thao. Ông là người thích bóng đá. Ở cái tuổi chưa đến 10, tôi cũng đơn giản nghĩ rằng, cứ thử xem sao. Rồi sau này khi trưởng thành, tôi cũng cho rằng cái gì đến thì sẽ đến. Khi mình đã tới một chặng nhất định của cuộc đời thì cứ theo điều đó đến cùng thôi.

CLB HAGL cũng chia sẻ với các phụ huynh cho con em đến với bóng đá, trong đó có gia đình tôi. Ngoài việc chơi bóng, chúng tôi vẫn được đảm bảo học hành. Cơ sở vật chất của HAGL cũng đủ tốt để bố mẹ tin tưởng và yên tâm cho tôi theo bóng đá.

 Tuấn Anh chia sẻ với tác giả - Ảnh: VFF Channel

Mình đã tới một chặng nhất định của cuộc đời thì cứ theo điều đó đến cùng thôi

Nguyễn Tuấn Anh, ĐT Việt Nam, CLB HAGL 

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Tuấn Anh tiến bộ. Anh cùng với Công Phượng, Xuân Trường, Đông Triều còn sang Arsenal học tập một thời gian. Tôi còn thấy bức ảnh Tuấn Anh chụp với HLV Arsene Wenger. Cuộc trò chuyện giữa anh và huyền thoại Arsenal diễn ra thế nào?

Cũng nhân cuộc trò chuyện này thì tôi cũng muốn được chia sẻ thêm. Thực ra khi chúng tôi sang Arsenal thì cũng chỉ tham gia tập ở đội trẻ. Tất nhiên, HLV Arsene Wenger không trực tiếp phụ trách. Chúng tôi được hướng dẫn, dạy bảo bởi một người khác. Chúng tôi chỉ được gặp thầy Wenger trong nhà ăn của đội. Còn chuyện tôi nhận được đề nghị của Olympiakos thì cũng từ một chuyên gia trao đổi với CLB HAGL chứ không phỉa ông Wenger.

Lúc đấy tôi cũng còn nhỏ tuổi, nhiều bỡ ngỡ và còn chưa va chạm với bóng đá chuyên nghiệp. Nên dù có gặp chấn thương ở thời điểm đấy và lỡ dở cơ hội sang Olympiakos thì tôi cũng không quá bận tâm. Tôi chỉ mong mình có thể trở lại nhanh nhất và có thể được tham gia giải U19 hoặc các đội tuyển trẻ quốc gia. Đơn giản là vậy.

Qua những câu hỏi đầu tiên thì tôi cảm nhận dường như Tuấn Anh vẫn còn khá kiệm lời. Nhiều người nói với tôi là bạn hướng nội, ít chia sẻ với người ngoài. Tự bản thân Tuấn Anh có đồng ý với quan điểm này hay không?

Nhiều quan điểm nói về tôi lắm. Đa phần tôi thấy họ thường nói với tôi là mẫu cầu thủ hướng nội. Thực ra nếu ai thân thiết với tôi, họ sẽ hiểu tôi không phải kiểu thích sống nội tâm đâu (cười). Tôi luôn có sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, giữa những người thân thiết và người ngoài. Trong chơi bóng, mỗi người sẽ có phong cách khác nhau. Tôi cũng lựa chọn cho mình một lối chơi, một vị trí, một cách đá sao cho phù hợp bản thân mình. 

Tuấn Anh chia sẻ về quan điểm anh sống hướng nội - Ảnh: VFF Channel

Tôi cũng là người kiệm lời và muốn chứng minh nhiều hơn trên sân bóng.

Nguyễn Tuấn Anh, ĐT Việt Nam, CLB HAGL 

Liệu đó có phải là hình mẫu như Andrea Pirlo, cầu thủ nổi tiếng với câu nói: “Tôi tư duy, tức là tôi tồn tại?

Tôi thích một câu nói khác hơn của anh ấy. Đó là hãy để đôi chân giãi bày cho tất cả. Tôi cũng là người kiệm lời và muốn chứng minh nhiều hơn trên sân bóng. Pirlo là một cầu thủ tôi ngưỡng mộ. Nhưng tôi lại không giống Pirlo như nhiều người so sánh đâu. Tôi chưa bao giờ đặt mình vào khuôn mẫu như anh ấy và theo phong cách anh ấy. Bởi Pirlo là mẫu tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Trong khi tôi có sở trường và vai trò khác.

Tôi thích xem những cầu thủ số 10 cổ điển. Tôi thích Zidane, Guti, Ozil hay Isco. Những mẫu cầu thủ ấy ngày càng hiếm. Được thưởng thức một đường bóng của họ thôi cũng đủ làm tôi thích và say mê rồi.

Tôi không cố tình tạo ra một rào cản, phạm vi hay điều gì đó ngăn cách mình với thế giới

Tuấn Anh vừa nói đến một cụm từ “cổ điển”. Tôi lại nhớ đến một câu chuyện khác liên quan đến anh. Khi các bạn cùng lứa thích chơi game, thích lên mạng xã hội thì rất nhiều lần, hình ảnh quen với Tuấn Anh khi rảnh rỗi lại là đọc sách. Anh cũng đã chia sẻ với tôi về sự ngưỡng mộ dành cho nhà văn Hakumi.

Tôi cũng đã chia sẻ bên trên. Thực ra tôi không phải là người sống quá trầm. Tôi vẫn tham gia sôi nổi vào hoạt động chung của tập thể, đồng nghiệp. Chỉ là tôi ít nhắc đến điều đó trên facebook thôi (cười). Với tôi, chơi game hay đọc sách cũng là giải trí. Với tôi, việc đọc một cuốn sách mà mình thư giãn cũng là tốt rồi.

Mỗi một giai đoạn cuộc đời tôi lại lựa chọn những đầu sách khác nhau. Đa phần, tôi lựa chọn cuốn sách nhẹ nhàng, đọc dễ chịu hơn là những cuốn sách bán chạy ăn khách hoặc triết lý sống. Tôi muốn mọi thứ đơn giản. Khi mình đã tìm đến sách để thoải mái cái đầu thì cũng chẳng có lý do gì lại chọn những chủ đề bắt mình phải tư duy.

Tôi thích đọc đa số những cuốn sách của Haruki cũng là vì vậy. Văn phong của ông duyên dáng, nhẹ nhàng, dễ đọc.

 

Nhưng Haruki cũng rất chiêm nghiệm. Một câu nói nổi tiếng của nhà văn này là “Mỗi một người đều có một khu rừng thuộc về bản thân, có lẽ chúng ta chưa từng đi qua khu rừng ấy…”. Tuấn Anh cũng có khu rừng riêng cho mình. Vậy làm thế nào để bước vào khu rừng của Tuấn Anh?

Tôi không cố tình tạo ra một rào cản, phạm vi hay điều gì đó ngăn cách mình với thế giới xung quanh. Tôi chỉ nghĩ rằng công việc hàng ngày đã chiếm khá nhiều thời gian của bản thân. Vậy nên, phần còn lại của một ngày, tôi cũng muốn được thả lỏng mình cho cuộc sống cá nhân. Tôi không thể dành tất cả thời gian cho tất cả những người xung quanh được. Cũng như bao người, tôi cũng có những mối quan hệ riêng, thậm chí là không ở trong lĩnh vực bóng đá.

Tôi sẽ hợp nói chuyện với những người có cùng quan điểm sống, sở thích như mình. Đó có thể là cùng thích một cầu thủ cổ điển hay thích đọc sách chẳng hạn.

 

Cũng như bao người, Tuấn Anh cũng có những mối quan hệ riêng, thậm chí là không ở trong lĩnh vực bóng đá - Ảnh: VFF Channel  

Trước khi sang Nhật, tôi là người bị coi là đại khái. Nhưng khi sang Nhật, sự tỉ mỉ của họ khiến tôi phải thay đổi.

Nguyễn Tuấn Anh, ĐT Việt Nam, CLB HAGL 

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Tuấn Anh thích nhà văn Haruki. Quần áo, tóc tai, phong cách của anh cũng toát lên một phong cách rất Nhật Bản.

Tôi nghĩ điều đó có thể bắt đầu khi tôi sang Nhật Bản thi đấu cho Yokohama FC vào năm 2016. Đó có thể là một bước ngoặt ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của tôi. Tôi mạnh dạn hơn trong suy nghĩ, dám biểu đạt ý kiến hơn. Tôi học được nhiều điều, với sự chuyên nghiệp, khoa học trong cuộc sống và bóng đá.

Trước khi sang Nhật, tôi là người bị coi là đại khái. Nhưng khi sang Nhật, sự tỉ mỉ của họ khiến tôi phải thay đổi. Một chi tiết nhỏ như khi tập luyện trên sân. Lúc đó, đội Yokohama FC tập phòng ngự. Tôi phải lui về vị trí theo yêu cầu. Lúc đó, tôi nghĩ rằng ngay cả tôi không lùi về vị trí đó thì bóng cũng không thể luân chuyển vào khoảng trống đó được. Rồi họ nhắc tôi: Ngay cả có như vậy hay họ không tấn công vào đó thì anh vẫn phải buộc lùi lại, bởi đó là sự di chuyển đồng bộ của cả tập thể mà mỗi vị trí đều đã được hoạch định sẵn. Đó là một bài học về sự tỉ mỉ trong tiểu tiết của người Nhật.

Đó là giai đoạn năm 2016. Còn giờ đây là năm 2023. Vừa rồi, anh đeo băng đội trưởng của ĐT Việt Nam. Với anh, một thủ lĩnh trên sân bóng phải là người như thế nào?

 

Ở HAGL, tôi cũng đã là đội trưởng và cũng có hô hào, kết nối với các em. Nhưng tôi cũng hiểu hạn chế của bản thân mình. Tôi biết mình cần phải nói to hơn, đốc thúc mạnh hơn đồng đội xung quanh. Một đội trưởng cũng phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Nhưng tôi biết mình có hạn chế và không thể khỏa lấp thiếu sót ấy. Tôi chấp nhận và cố gắng làm tốt những gì có thể với bản thân mình.

Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua...

Trở lại với giai đoạn gần 10 năm qua, nốt trầm có lẽ nhiều hơn là nốt thăng với Tuấn Anh. Nhìn lại gần nửa sự nghiệp chuyên nghiệp của cuộc đời, anh thấy thế nào?

Rõ ràng là không tránh khỏi thất vọng. Nhưng tôi tự dặn mình là cố được lúc nào thì hay lúc đấy. Gặp chấn thương, nghỉ thi đấu là nỗi sợ với bất cứ ai. Nhưng có những lúc tôi hiểu mình phải chấp nhận như một phần của nghề nghiệp. Tôi tự dặn mình cứ kiên trì, chịu đựng rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi.

Tôi dặn mình ít nghĩ về quá khứ hay nghĩ quá xa về tương lai. Tôi muốn bản thân tập trung cho những điều trước mắt. Như khi chấn thương, tôi mong mình sớm bình phục. Còn hiện tại, tôi muốn cống hiến cho ĐT Việt Nam hay ở HAGL, tôi sẽ cố gắng giúp đội qua từng trận đấu. Đấy cũng là điều giúp tôi hạnh phúc.

Nhưng trong cuộc đời, cầu thủ nào cũng mong được thừa nhận. Và khi xét lại lịch sử, danh hiệu lại là thước đo để đánh giá một cầu thủ tài năng. Tuấn Anh nghĩ sao khi mình lỡ dở với một hành trình lịch sử của bóng đá nước nhà?

Tất nhiên là cầu thủ hay bất cứ ai trong cuộc đời, tôi nghĩ ai cũng mong được thừa nhận thôi. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý mình. Dĩ nhiên, tôi mong muốn có danh hiệu nhưng mình cũng phải nhìn những điều tác động xung quanh. Bản thân tôi vẫn phấn đấu, vẫn quyết tâm nhưng cũng có lúc phải học cách chấp nhận. Đôi khi, cuộc sống là thế, mình không thể nào làm khác được.

Giờ thì tôi cứ tập trung cho hiện tại. Tôi mong mình có thể thi đấu tốt và giúp đội tuyển Việt Nam có kết quả khả quan trong chặng đường sắp tới.

 Đôi khi, cuộc sống là thế, mình không thể nào làm khác được.

Nguyễn Tuấn Anh, ĐT Việt Nam, CLB HAGL 

Áp lực là một phần của bóng đá. Thất bại cũng là một phần không tránh khỏi của môn thể thao vua. Với Tuấn Anh, anh vượt qua thất bại và áp lực như thế nào? Nhất là khi mạng xã hội có muôn hình vạn trạng các ý kiến khen chê.

Nếu là khen thì đương nhiên tôi vui rồi. Và ngược lại, nếu là chê thì tôi sẽ buồn thôi. Thường thì tôi không lên mạng sau khi trận đấu khép lại. Bởi một trận thua đã đủ buồn rồi. Nhất là trận nào mình chơi không tốt thì càng buồn hơn. Nên tôi tự dặn lòng mình cố gắng buồn nốt hôm đấy thôi và ngày mai, buồn ơi ta xin chào mi. Với tôi, ngày mai là một ngày mới mà.​​

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

 

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: [email protected] | [email protected]
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: [email protected]

x